Ngay sau hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng chủ trì thì UBND TP.HCM có buổi làm việc với 6 doanh nghiệp là chủ đầu tư của 7 dự án đang bị vướng pháp lý.
Thực ra đây không phải lần đầu tiên trong những năm qua TP.HCM làm việc với các doanh nghiệp bất động sản. Còn nhớ vào tháng 4/2019, Thành uỷ Tp.HCM từng tổ chức buổi làm việc với 100 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn và sau đó là những cuộc làm việc khác của UBND thành phố.
Tuy nhiên điểm khác ở lần này UBND Tp.HCM cùng các sở liên quan làm việc trực tiếp và lần lượt với từng chủ đầu tư, từng dự án cụ thể.
7 dự án bất động sản tại Tp.HCM được xem xet gỡ vướng lần này đã nhiều lần “kêu cứu” trước đó. Trong đó đáng chú ý có hai dự án từng gửi đơn kêu cứu đến Bộ Xây dựng và Thủ tướng là Water Bay của Novaland và Shizen Home của Gotec Land.
Đối với dự án Water Bay, đầu năm 2020, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Lá đơn của ông Nhơn sử dụng những từ ngữ như “kiệt sức”, "mất tính thanh khoản" và được gửi đi vào thời điểm khá đặc biệt là ngày đầu năm mới. Hành động này cho thấy doanh nghiệp khá “bế tắc” trong việc triển khai dự án. Thời điểm đó, Novaland được cho đã đầu tư 6.000 tỷ đồng vào Water Bay nhưng sau đó dự án “đóng băng”. Chủ tịch Novaland đã khẩn cầu Bộ trưởng Xây dựng cho phép dự án tiếp tục triển khai để giúp Novaland có nguồn thu và giúp hơn 200 nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào Novaland yên tâm.
Còn đối với Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) chủ đầu tư của dự án Shizen Home đầu năm 2023 cũng gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ. Đơn kêu cứu do ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gotec Việt Nam ký.
Trong đơn, đại diện Gotec Land cho biết, dự án Shizen Home đã thi công hoàn thành xong phần móng, hầm và tầng 1, đang tiếp tục thi công các tầng tiếp theo kế hoạch, đã đủ điều kiện để bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại, căn cứ theo Khoản 1 Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Tuy nhiên Gotec Land đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị lên Sở Xây dựng nhưng đều bị trả lại. Mức thiệt hại công ty gánh là 1.052 tỷ đồng. Nếu không sớm được giải doanh nghiệp sẽ không còn khả năng chi trả chi phí và duy trì hoạt động.
Ngoài 7 dự án đang được TPHCM xem xét gỡ vướng, khá nhiều dự án bất động sản tại Tp.HCM bị vướng mắc pháp lý kéo dài khi chuyển nhượng qua các chủ đầu tư khác nhau.
Đơn cử như dự án khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng tên thương mại Celadon City (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) của Gamuda Land quy mô 82,5ha. Dự án này được UBND Tp.HCM chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng làm chủ đầu tư. Sau đó, Công ty Cổ phần Gamuda Land mua lại cổ phần Công ty Thương Tín Tân Thắng để sở hữu dự án này. Thanh tra Chính phủ đề nghị Tp.HCM thu hồi 514 tỷ đồng của doanh nghiệp này nhằm khấu trừ khoản tiền vào tiền sử dụng đất. Gamuda đã từng làm đơn kiến nghị không thu hồi số tiền này. Sau khi đoàn công tác vào kiểm tra và đánh giá lại đã có báo cáo, trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thu hồi số tiền 514 tỷ đồng nói trên.
Tương tự, dự án The Metropole Thủ Thiêm do Sơn Kim Land phát triển tại lô đất 1-17 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức cũng vướng phần xác định giá đất. Năm 2019, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án này được UBND Tp.HCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tính và thu tiền sử dụng đất. Trong đó có việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 (bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Thanh tra Chính Phủ cũng đề nghị UBND tp. HCM rà soát xử ký để tiếp tục triển khai dự án Khu phức hợp Sóng Việt
Hay dự án De La Sol của CapitaLand tại quận 4, ban đầu do Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất kinh doanh Sài Gòn Cửu Long làm chủ đầu tư. Sau này, dự án chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Hưng Phú với giá 900 tỷ đồng. Sau đó CapitaLand mua lại 100% cổ phần của Việt Hưng Phú. Hiện dự án này còn vướng mắc pháp lý về giấy phép xây dựng.
Dự án Saigon Manhattan có diện tích 14.000m2 đã được UBND Tp.HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng và triển khai thi công tầng 28 thì gặp vướng ở khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư và hưởng ưu đãi là miễn tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao.
Dự án khu nhà ở Thiên Lý tại phường Phước Long B, Tp.Thủ Đức do Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư. Dự án này có quyết định giao đất từ tháng 6/2007, quy hoạch chi tiết 1/500 tháng 8/2009 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xong.
Tại cuộc họp mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, TP sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân. Thành phố sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của khoảng 116 dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận đây là nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của UBND Tp.HCM và các sở, ngành nhằm tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền.