Covid-19 tái phát, giới đầu tư vào cuộc “bắt đáy” thị trường?

Covid-19 tái phát khiến thị trường bất động sản càng thêm khó khăn. Trong chính bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường ở nhiều khu vực có thể đã chạm đáy. Họ bắt đầu săn lùng những sản phẩm bị rao bán cắt lỗ thời điểm này.

Một trong những điểm ngắm của không ít nhà đầu tư giai đoạn này là thị trường Đà Nẵng. Cùng với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là một điểm nóng về đầu tư bất động sản những năm qua. Covid-19 lần 1 khiến bất động sản Đà Nẵng cũng chung tình trạng ảm đạm như nhiều thị trường lớn khác. Thế nhưng sự tái phát Covid-19 với tâm dịch là Đà Nẵng, buộc phải thực hiện giãn cách xã hội đã đẩy thị trường bất động sản thành phố biển gần như rơi vào tình cảnh đóng băng.

Số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy trong số 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng là một trong hai địa phương có mức tăng trưởng âm, còn trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có mức tăng trưởng âm. 

Anh Nguyễn Đức Chính, một môi giới chuyên thị trường Đà Nẵng, cho biết từ khi Đà Nẵng bắt đầu đợt giãn cách xã hội vào cuối tháng 7, có 1 nhóm 4 nhà đầu tư phía Bắc đã gọi điện hỏi anh về sản phẩm bất động sản giảm sâu, cắt lỗ tại thị trường Đà Nẵng. Những nhà đầu tư này từng đầu tư theo nhóm vào bất động sản Đà Nẵng giai đoạn sốt nóng. Họ hiểu du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng của thành phố biển đang chịu tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề. Tiêu chí của họ là mua khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng đang bị bán tháo do chủ cũ vốn mỏng, sử dụng đòn bẩy tài chính và không còn chịu được áp lực của lãi vay ngân hàng. 

một dự án đầu tư đất nền vùng ven
Covid-19 tái phát khiến thị trường bất động sản càng thêm khó khăn

Anh Chính cho biết trên thực tế, Covid-19 tái phát khiến rất nhiều chủ khách sạn ở Đà Nẵng kiệt quệ, đuối sức từ đợt dịch lần 1 không thể gắng gượng thêm được và buộc phải rao bán, thanh lý khách sạn. Hiện rất nhiều khách sạn trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Phước, Dương Đình Nghệ, Trần Bạch Đằng (quận Sơn Trà) được rao bán 13-18 tỷ. Rất nhiều căn đang được rao bán thấp hơn hẳn so với định giá thị trường. Ngoài ra, dòng biệt thự nghỉ dưỡng, nhiều căn cũng được cắt lỗ sâu từ 200-500 triệu đồng. Hiện đã có nhà đầu tư ưng ý một tòa khách sạn nhưng do dịch bệnh nên chưa thể bay vào để xem xét thực tế và thương thảo.

Trao đổi với TinNhaDatVN.Com, nhà đầu tư Bùi Viết Lâm (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết do sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19 với tâm điểm là Đà Nẵng nên so với Hà Nội, TP.HCM hay Nha Trang (Khánh Hòa), nhịp thị trường của Đà Nẵng đang thoái trào sớm hơn. Đất nền 1 số khu vực ở Đà Nẵng giá đã giảm mạnh so với đỉnh sóng những năm trước. Đơn cử như khu đất nền FPT, nhiều vị trí, giá đã giảm 15-30% so với cao điểm là quý 4/2019. Một số khu vực đất nền ven sông Cổ Cò, cũng ghi nhận mức giá giảm 10-20% so với cùng kì năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư đã nắm được thông tin này, có những người đã xuống tiền, có những người vẫn có tâm lý chờ xem giá có xuống tiếp không

Không chỉ Đà Nẵng, đất nền ven biển một số khu vực như Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định) hay Phú Quốc (Kiên Giang) cũng ghi nhận tình trạng cắt lỗ 20-30% nhằm đẩy hàng khi dịch Covid-19 tái phát. Anh Hải, môi giới ở Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, khách đầu tư năm ngoái của anh đã vay tiền ngân hàng để ôm 6 lô đất ở Nha Trang. Khách dự tính sẽ lướt trong vòng 1 năm nhưng không ngờ dịch bệnh Covid-19 bùng nổ. Đợt dịch đầu tiên, thị trường khó khăn, khách ra hàng nhưng một nhà đầu tư khác ép giá cắt lỗ sâu nên không bán mà vẫn cố gắng cầm cự trả lãi ngân hàng. Khi đó, anh Hải cũng khuyên khách đợi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường ấm lên rồi bán ra. Nhưng rồi đợt dịch Covid tái phát, khách không thể gắng gượng thêm, chấp nhận cắt lỗ 30% để thu tiền về. Nhà đầu tư ép giá đợt trước chấp nhận xuống tiền.

Anh Hải cũng cho biết, nếu đợt dịch đầu tiên, nhiều cá mập, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã quan sát thị trường để “bắt đáy” nhưng hiện tượng cắt lỗ còn mang tính lẻ tẻ, tự phát thì đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 tái bùng phát, giới đầu tư mới vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc bắt đáy thị trường. Anh Hải cũng cho rằng đây là cơ hội cho giới đầu tư có tiềm lực tài chính gom hàng và chờ thị trường tốt lên đẩy ra chốt lời.

Cẩm Phương