Bất động sản trong tháng “cô hồn”: Góc nhìn từ chuyên gia phong thủy Phạm Cương

“Là người làm nghề liên quan đến nhà cửa hay bất động sản, tôi để ý giai đoạn tháng 7 âm đến đầu tháng 8 âm, mua bất động sản thường được giá hời”, đó là quan điểm của chuyên gia phong thủy Phạm Cương.

Tháng 7 âm lịch hàng năm hay còn gọi là tháng "cô hôn", nhiều người làm ăn kinh doanh thường kiêng kỵ những công việc lớn, trong đó có việc "xuống tiền" mua BĐS, xây nhà, sửa nhà,…Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia phong thủy Phạm Cương có những góc nhìn chi tiết xung quanh câu chuyện tháng "côn hồn" và bất động sản.

Chuyên gia Phạm Cương cho rằng, vào thời điểm này hàng năm, đa phần các doanh nghiệp, nhất là anh em làm bất động sản hay bán ô tô đều ngán tháng 7 âm lịch. Với họ, tháng này bán được BĐS hay ô tô giống như trúng số vậy. Năm nay vừa bị covid, sang tới tháng 7 cô hồn, ai đó được "cô thương" đạt chỉ tiêu đã là tốt lắm rồi.

"Là người làm nghề liên quan đến nhà cửa hay bất động sản, tôi để ý giai đoạn tháng 7 âm đến đầu tháng 8 âm, mua bất động sản thường được giá hời. Nếu mua BĐS qua của các công ty thường được chiết khấu tốt, quà khuyến mại với vô vàn ưu đãi. Mua của người dân giá cũng tốt, vì thường tháng này ít có giao dịch nên tâm lý người bán khuyến mại kích cầu. Không ít lần tôi và một số người quen được tôi chỉ cho điểm mua này đều thành công, mua được giá rất tốt", chuyên gia phong thủy Phạm Cương chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, gần đây phú quý sinh lễ nghĩa. Việc phong thủy hay thờ tự được coi trọng hơn. Dưới góc nhìn tâm linh tháng 7 âm lịch được coi là tháng "cô hồn", "xá tội vong nhân". Đây là thời gian Diêm Vương mở cửa ngục để các vong hồn thoát ra bên ngoài. Dân gian quan niệm các vong hồn trong tháng này đi quấy phá các việc lớn của con người nên nhiều doanh nghiệp, người dân thường có sự thận trọng trong các việc đại sự.

IMG_7958

"Không nên kiêng kỵ khi chưa biết nguồn cơn và cơ sở khoa học của mọi vấn đề. Dù là tháng 7 nhưng cứ thuận theo công việc, cuộc sống mà làm."

Nhưng theo quan điểm của vị chuyên gia này thì đó chỉ là quan niệm tín ngưỡng cùng với tập tục và "người này nhìn người kia làm theo", thiếu cơ sở khoa học. Còn theo điển tích trong kinh nhà Phật thì tháng 7 là tháng ngài Mục Kiều Liên tôn giả phá ngục cứu mẹ nên ở một số nơi, đặc biệt phía Nam gọi là tháng của Lễ Vu Lan báo hiếu. Với những vùng miền khác nhau, tín ngưỡng khác nhau thì có những quan niệm khác nhau là kiêng kỵ hay khuyến khích. Vì thế, theo chuyên gia Phạm Cương thì tin cũng được và không tin cũng không hại gì.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của vị chuyên gia này thì không nên kiêng kỵ khi chưa biết nguồn cơn và cơ sở khoa học của mọi vấn đề. Dù là tháng 7 nhưng cứ thuận theo công việc, cuộc sống mà làm. Nếu kiêng kỵ quá mức, bạn có thể làm lỡ mất cơ hội cũng như cuộc sống tâm linh quay về xã hội cũ với các mê tín dị đoan lạc hậu.

Nhưng chuyên gia Phạm Cương cho biết việc kiêng kỵ trong tháng "cô hồn" không hẳn là không có nguồn cơn. Bởi theo ông tháng 7 là thời điểm thời tiết gây khó khăn tới đời sống của người dân, nhất là thời xưa khi các hoạt động như trồng cấy, buôn bán giao thương phụ thuộc vào thời tiết. Ở Việt Nam, thường mua nhiều vào tháng 7 nên gọi là tháng ngâu, sẽ ảnh hưởng đến trồng trọt, đi lại, sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà cửa…ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thi công. Vì vậy nếu khởi công xây nhà trong tháng 7 sẽ vất vả hơn và dễ bị chậm tiến độ.

"Chúng ta thường có quan niệm "đầu xuôi, đuôi lọt". Không ai muốn khởi đầu vất vả nên việc động thổ xây nhà tránh tháng ngâu cũng có cái lý riêng của nó. Tuy nhiên nó chỉ đơn thuần là tránh thời tiết xấu chứ không liên quan đến vong hồn ma quỷ. Tháng 7 có thể kiêng đối với làm nhà đất còn tạm chấp nhận, còn với nhà chung cư đi vào hoàn thiện thì rõ ràng không có lý do gì để kiêng kỵ. Chưa kể các hoạt động giao thương, buôn bản hiện nay ngoài kênh trực tiếp còn có kênh gián tiếp, online của thời đạn 4.0 sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời tiết", vị chuyên gia này nói.

Cũng theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, thời kỳ suy thoái toàn cầu với đại dịch Covid, doanh nghiệp đã rất khó khăn từ đầu năm. Tháng 7 này, khó khăn chồng thêm khó khăn. Cuộc chiến covid chuyển thành cuộc chống chọi Tháng cô hồn.

"Tôi nghĩ thời điểm này chúng ta cần có thái độ rõ ràng và tích cực với tháng 7. Nên chăng có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này. Chống covid như chống giặc thì chống " tư duy tháng cô hồn" cũng cần quyết liệt. Doanh nghiệp Việt có 12 tháng làm ăn thì tháng giêng là tháng ăn chơi, thêm tháng cô hồn nữa, tính ra 12 tháng thực tính chỉ còn 10. Cứ bảo sao năng suất của người Việt luôn ở mức thấp. Dịch lý có câu "Vật cực tất phản", năm khó khăn Cô vít đến, có khi là thời cơ để "đẩy" cô hồn đi. Mong lắm thay!" chuyên gia Phạm Cương chia sẻ.