Mới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi vay, giãn nợ và ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, vào ngày 16/3 Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 13/3/2020.
Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã xem xét cơ cấu lại các khoản dư nợ tổng trị giá 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi thật sự với dư nợ hiện tại của doanh nghiệp tại tổ chức tín dụng cho 8.000 khách hàng với số tiền hơn 350 tỷ đồng; đang xem xét miễn giảm lãi vay cho hơn 34.350 khách hàng với khoản dư nợ 185 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho vay mới 5.493 khách hàng với tổng số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện giảm phí, có những ngân hàng miễn phí hoàn toàn. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cũng đã và đang giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Trong xu thế này, chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp BĐS có thể tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Việc siết tín dụng BĐS cũng được nới lỏng hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Vào đầu tháng 2/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của người dân.
Cụ thể, cơ quan này đã quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và áp dụng hệ số rủi ro cao hơn đối với các khoản vay mua nhà có giá trị lớn, nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; tín dụng tiêu dùng liên quan đến BĐS, nhất là đối với nhóm khách hàng cá nhân có dư nợ lớn.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Ngân hàng NN sẽ thận trọng xem xét cho vay góp vốn đầu tư kinh doanh BĐS nhà đầu tư thứ cấp; nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá đầy đủ các rủi ro về hồ sơ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, rủi ro về cung cầu thị trường. Đồng thời, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Như vậy, đối với các doanh nghiệp tạo được uy tín trên thị trường, có khả năng phát triển dài hạn và hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là tạo ra được nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường thì hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn một cách tốt nhất trong lúc này. Ngoài ra, để vượt qua khó khăn trong giai đại dịch thì các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp và cộng đồng trước đại dịch là điều cần làm trước mắt.
Theo phân tích của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, HoREA khuyến cáo lãnh đạo doanh nghiệp triệt để tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch CoViD 19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian…Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các Tập đoàn và doanh nghiệp BĐS thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực. Đối với các Tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS.