Dự án Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km, kết nối Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng. Tuyến cao tốc này được chia làm 3 dự án thành phần gồm Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
Trong đó, hai đoạn Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự kiến sẽ khởi công ngay trong năm nay
Với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h. Làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục, khoảng 4-5km bố trí 1 điểm dừng khẩn cấp.
Với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dự án có quy mô đầu tư 4 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục, khoảng 4-5km bố trí một điểm dừng khẩn cấp.
Đối với 2 dự án này, Sở Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu bổ sung làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Cùng với đó, mở rộng làn xe, nâng tốc độ thiết kế lên 100km/h.
Cũng trong tờ trình của Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai còn đề xuất điều chỉnh đối với các dự án thành phần tuyến đường Vành đai 3 Tp.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 dài hơn 6km, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Dự án Thành phần 3, đường vành đai 3 – Tp.HCM dài hơn 11km, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo phê duyệt dự án đầu tư của Bộ Giao thông vận tải, dự án Thành phần 1A được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h. Riêng công tác giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe, bề rộng giải phóng mặt bằng khoảng 74m.
Trong khi đó, theo phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh, dự án Thành phần 3, đường vành đai 3 – Tp.HCM có quy mô 4 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h. Làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục, khoảng 4-5km bố trí một điểm dừng khẩn cấp. Về giải phóng mặt bằng, dự án cũng thực hiện một lần theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe, bề rộng giải phóng mặt bằng khoảng 74m.
Do đó, để khai thác đồng bộ hiệu quả dự án, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, hồ sơ Dự án Đầu tư nâng cấp Dự án Thành phần 1A lên tiêu chuẩn cao tốc 4 x 3,7m, vận tốc thiết kế 100km/h. Bố trí làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến.