Anh Huy nhớ lại cơn sốt bất động sản Thanh Hóa hồi đầu năm 2019. Ở thời điểm đó, anh và bạn có cùng nhau mua 2 lô liền kề tại Quảng Xương. Vừa mua xong, thị trường bắt đầu chững lại. Dù giá mua khá rẻ chỉ 12 triệu đồng/m2 nhưng anh Huy sốt ruột sợ thị trường đi xuống nên nhờ môi giới bán gấp, thu được 150 triệu tiền lãi sau 5 tháng đầu tư.
Khác với anh Huy, người bạn cùng mua với anh khá rủng rỉnh tiền bạc nên không nóng vội. Do thấy mức giá mua vào rẻ trong khi chủ đầu tư vẫn xây dựng đúng tiến độ nên người bạn này chờ được giá mới bán. Đến gần cuối năm 2020, đất Thanh Hóa bỗng nóng sốt trở lại, đất tăng giá hàng ngày, lô liền kề hơn 100m2 nay đã tăng giá 23 triệu đồng/m2. Sau khi chốt bán, bạn anh Huy thu về gần 1 tỷ đồng tiền lãi sau khi trừ đi chi phí môi giới và sang tên.
Cũng khá gan lì trong đầu tư bất động sản, anh Quang nhớ lại cú đầu tư bất động sản Móng Cái. Vốn là người khá chắc tính, luôn xác định đầu tư trung hạn đối với bất động sản thế nên khi thấy một dự án trung tâm Móng Cái mở bán giá ban đầu góp vốn 5 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2018, anh Quang đã chớp ngay cơ hội.
Đến tháng 3/2019, mảnh đấy anh góp vốn có giá thị trường 7 triệu đồng. Thấy được giá anh quyết bán, khách mua đã cọc 50 triệu để làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, thời điểm đó, giá bất động sản tại Móng Cái bỗng chững lại, vị khách mua cũng bỗng bặt vô âm tín. Sau này, môi giới có thông báo lại với anh là khách bỏ cọc vì sợ thị trường lao đầu đi xuống.
Tiếp tục giữ lô đất đến cuối năm 2019, anh Quang bán được giá hời 12 triệu đồng/m2, lãi 800 triệu đồng so với mức giá mua bán đầu chỉ hơn 400 triệu/đồng. Cộng với số tiền khách cũ từng bỏ cọc, anh Quang đút túi khoản lãi 850 triệu chỉ sau hơn 1 năm vào tiền, lợi nhuận lên đến 300%.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản có rất nhiều nhà đầu tư lãi lớn khi "lì đòn". Họ không vội mua, vội bán mà luôn tính toán kỹ lưỡng từng bước đi. Đối với họ đất đai không bao giờ đi xuống mà chỉ có tăng bởi người đông thêm chứ đất không đẻ thêm được. Vì thế, nhà đầu tư chỉ lỗ khi không biết chọn sản phẩm tốt và tận dụng mua ở thời điểm giá còn rẻ.
Nói về kinh nghiệm đầu tư bất động sản của mình, anh Quang cho biết gần 15 năm đi đầu tư anh ít khi bị lỗ, đa phần tất cả các khoản đầu tư đều có lãi, có những khoản lãi vài chục, vài trăm cho đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, anh cũng cho biết anh rất cầu kỳ trong khâu chọn sản phẩm tốt. Sản phẩm tốt phải là những sản phẩm có vị trí trung tâm dễ dàng kết nối, có giá trị sử dụng tức là người mua có thể ở được.
"Điều quan trọng nhất là tài chính. Nếu đầu tư không bị áp lực về tài chính sẽ có có độ lì hơn. Do đó, thời gian để càng lâu bất động sản càng tăng giá. Đặc biệt, thị trường bất động sản Việt Nam có quy luật qua sốt sẽ chững, qua chững sẽ tiếp tục sốt", anh Quang cho biết.
Nói về những nhà đầu tư "lì đòn" trên thị trường bất động sản Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cenland từng cho biết đầu tư bất động sản càng lâu thì lãi càng lớn. Bài toán kinh doanh BĐS theo Shark Hưng cũng đơn giản như đi buôn gà vậy. Giá gà tăng liên tục, bỏ ra 7 đồng mua gà, bán ra 8 đồng, xong mua con 9 đồng, bán 10 đồng, xong tiếp tục mua con 10 đồng bán 11 đồng…, hỏi lãi bao nhiêu, lãi hay lỗ?.
"Đáng lẽ chúng ta nên bỏ tiền ra mua ngay 5 con gà từ lúc 8 đồng, chờ 11 đồng bán ra. BĐS cũng vậy, nếu cứ mua xong rồi bán không giải quyết được gì, mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ, tính ra chỉ lấy công làm lãi, cuối cùng chỉ lãi được 1 đồng. Chưa kể, các chi phí vốn, cơ hội, lãi, khấu hoa tiền tệ…. trừ hết vào lãi chẳng bao nhiêu. Vì thế, cũng một lần giao dịch, BĐS cũng giống như buôn gà, mua 8 đồng nên chờ 11 đồng hãy bán", Shark Hưng chia sẻ.
Ông Hưng cũng dẫn chứng, năm 2013 mua lô đất tại Đà Nẵng khoảng 37 triệu đồng/m2 đến năm 2018, giá lô đất đó lên 350 triệu đồng/m2, 5 năm giá BĐS tăng gấp 10 lần là chuyện bình thường. Như vậy để thấy, bất động sản rất đáng để đầu tư, cơ hội còn rất nhiều ở thị trường Việt Nam.