Bỏ cọc 500 triệu đồng cho lô đất 12 tỉ, thà mất nửa tỉ chứ không muốn ôm "cục nợ" vì đất "xì hơi"

Sau mỗi cơn sốt đất đi qua ở các vùng quê, bên cạnh chuyện “trúng đậm” hàng trăm đến hàng tỉ đồng trong chớp nhoáng thì cũng không ít chuyện “cười ra nước mắt”. Không ít người đúng kiểu “bỏ của chạy lấy người”, thà mất nửa tỉ đồng chứ không muốn ôm “cục nợ” vì đất xì hơi.

Dù cơn sốt đất tại Thanh Hóa hay một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… đã đi qua, nhưng những câu chuyện "bi hài" vẫn được kể ra, để thấy: Sau mỗi đợt sốt đất, những hệ lụy để lại còn khá dai dẳng. Có thể trong số đó có không ít người ngậm ngùi ôm đống nợ, hoặc mất đi một tài sản trong ngân hàng để ôm đất, rồi mệt nhoài trả lãi. Hoặc có người chấp nhận mất đi hàng nửa tỉ đồng tiền cọc vì biết rằng nếu ôm vào có thể mất hơn thế.

Câu chuyện bi hài ở vùng quê Thanh Hóa là một trong số đó. Khi cơn sốt đất điên cuồng diễn ra ở các huyện ven biển Thanh Hóa thời điểm đầu năm 2021, khiến nhiều nhà đầu tư thắng lớn, nhưng cũng không ít nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người".

Khoảng tháng 3/2021, trong đỉnh sốt, bà Thu, quê Quảng Xương, Thanh Hóa bán miếng đất ven biển cho một NĐT phía Bắc với giá 12 tỉ đồng. Bà Thu đề nghị nhà đầu tư này cọc số tiền 1 tỉ, nhưng nhà đầu tư thương lượng với bà Thu đặt 500 triệu đồng. Gật đầu đồng ý, bà Thu cầm 500 triệu đồng để chờ ngày đi công chứng nhận đủ số tiền 12 tỉ đồng. Thế nhưng, chỉ sau đó khoảng hơn 1 tuần, đất Thanh Hóa quay đầu giảm nhiệt do chính quyền ra văn chỉnh đốn tình trạng sốt đất. Cùng thời điểm đó, nhà đầu tư mua đất của bà Thu cũng "bặt vô âm tín". Gọi điện cho nhà đầu tư này nhiều lần, bà Thu cho biết thuê bao không liên lạc.

Theo bà Thu, bà cũng mong nhà đầu tư này quay lại mua đất chứ không muốn họ bỏ cọc dở dang như này. Nhưng nhiều lần gọi điện đều không được. Bởi nếu nhà đầu tư mua, bà được 12 tỉ nhưng nếu không mua có khi miếng đất xuống còn một nửa giá thì cũng "chết dở".

Còn với nhà đầu tư kia, theo phân tích của môi giới khu vực, có thể họ chấp nhận mất nửa tỉ tiền cọc, còn nếu ôm miếng đất 12 tỉ mà đất quay đầu giảm giá họ còn thiệt hại hơn số đó gấp nhiều lần. Cho nên "ve sầu thoát xác", bỏ cọc chạy lấy người cũng là cách mà họ bớt đi phần thiệt hại.

Bỏ cọc 500 triệu đồng cho lô đất 12 tỉ, thà mất nửa tỉ chứ không muốn ôm cục nợ vì đất xì hơi - Ảnh 1.

Sốt đất từng làm náo loạn vùng quê thời điểm đầu năm. Ảnh: Minh hoạ

Thực tế cho thấy, đa số những nhà đầu tư tham gia đầu tư ở các điểm nóng sốt là đầu tư "lướt sóng" kiếm lời nhanh. Cho nên, phần lớn là không có vốn dày. Trong số đó nhiều môi giới tham gia ôm đất, xuống cọc và tìm nhà đầu tư thế chân. Nhưng, nhiều trong số đó chưa kịp tìm nhà đầu tư thì đất "xì hơi". Vì thế, theo tìm hiểu, không ít nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ cọc, mất cọc, thậm chí không còn liên lạc được sau đó.

Theo ghi nhận, thời điểm đất Thanh Hóa lên cơn sốt, đa số là nhà đầu tư phía Bắc vào gom đất, bán nhanh hưởng chênh lệch. Thời điểm đó, theo môi giới khu vực xe ô tô biển số Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang… đậu kín UBND các xã ven biển Thanh Hoá. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đất xuống giá, nhiều nhà đầu tư "rút chân" không kịp, hiện muốn bán lại cũng không ai mua.

"Có rất nhiều cò đất, nhà đầu tư ôm hàng để bán hưởng chênh nhưng chưa kịp bán thì đất hạ nhiệt nên ôm cục nợ, hoặc bỏ cọc, hoặc chấp nhận bán lỗ. Cũng có những người lời 300-400 triệu đồng/lô đất trong vòng 1-2 tháng vẫn chưa ưng bụng, tiếp tục chờ thêm, dứt sóng bỗng dưng lỗ sấp mặt", một môi giới khu vực cho biết.

Không chỉ Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, và một số huyện ngoại thành Hà Nội từng là tâm điểm của cơn sốt đất hồi đầu năm, cũng có khá nhiều nhà đầu tư bỏ cọc. Nhiều trường hợp chưa trả hết số tiền mua đất mà chỉ mới dừng ở việc đặt cọc từ 50 - 100 triệu đồng. Nay, họ sẵn sàng bỏ cọc, mất khoản tiền này còn hơn là tiếp tục xuống tiền để chịu lỗ bởi giá đất nền nhiều nơi đã giảm 20-30%, thậm chí 50% so với thời điểm sốt nóng, chủ yếu rơi vào các dự án dang dở, chưa xong thủ tục pháp lý.

Từ câu chuyện trên cho thấy, thực tế, cơn sốt đất tại các tỉnh vùng quê là sốt ảo, đất bị thổi giá lên gấp nhiều lần với giá trị thực. Khi đất "xì hơi" thì nhiều người chết vì không kịp ra hàng. Đa phần trong số đó là những nhà đầu tư "tay ngang", ít kinh nghiệm với các cơn sốt đất, còn những NĐT có kinh nghiệm thường sẽ "kiếm chút đỉnh" khi cơn sốt đất đi qua rồi rút lui. Họ có thể không lời đậm nhưng sẽ không mất đậm.

"Có nhiều nhà đầu tư chỉ cần lời 100-200 trong khoảng thời gian 1-2 tháng là bán lại. Bởi họ cho rằng, không bán nhanh là chết…", một môi giới cho hay.

Ông Mai Đức Toàn, một chuyên gia BĐS từng cho rằng, rất khó để có thể biết được bao nhiêu nhà đầu tư bị "bỏ lại" sau cơn sốt đất. Người "bị bỏ lại" là nhà đầu tư "ôm đất" chưa kịp ra hàng trước khi cơn sốt đất "hạ nhiệt". Đặc biệt thiệt hại nặng nề nhất là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao để "ôm đất". 

Trong khi đó, người "thắng đậm" là một số nhà đầu tư F0, F1 nhanh tay "đẩy hàng" ngay trong giai đoạn "đỉnh sốt", thu tiền chênh lệch. Toàn cảnh của cơn sốt đất, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là "cò" khi không mất vốn mà vẫn được hưởng hoa hồng cao. Một bộ phận chủ đất cũng được hưởng lợi bởi chiêu thức thổi giá đã khiến cho giá trị đất tăng cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.

"Tuy nhiên theo kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực BĐS, tôi cho rằng, tỷ lệ nhà đầu tư thắng đậm sẽ rất thấp cho với tỷ lệ "thua đậm" và hệ lụy đằng sau những cơn sốt đất sẽ rất dai dẳng đối với sự phát triển của địa phương và bản thân những nhà đầu tư "sa lầy" trong cơn sốt", ông Toàn nhấn mạnh.