Tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế đang trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có bất động sản. Các dự án bất động sản phát triển theo xu hướng xanh luôn thu hút người có nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.
Số Lượng Bất Động Sản Xanh Tại Việt Nam Vẫn Khiêm Tốn
Tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” do Cafef tổ chức, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, quá trình tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản và phát triển đô thị làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng tạo ra những tác động tiêu cực như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023, báo cáo từ các chuyên gia Eurocham cho biết các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.
Với thực tế trên thì bất động sản xanh là một giải pháp nhằm hài hoà giữa nhu cầu thực tế của con người về bất động sản nhà ở, thương mại, dịch vụ mà vẫn bảo vệ được môi trường. Chuyển đổi xanh trong bất động sản phải là một xu thế tất yếu của lĩnh vực bất động sản trong phát triển đường dài.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chia sẻ, tính đến hết quý 3 năm 2023, số lượng bất động sản xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông. Con số này hiện vẫn vô cùng khiêm tốn so với số lượng các công trình bất động sản đã xây dựng trên cả nước.
Bên cạnh câu chuyện số lượng, Bộ Xây dựng cũng đang chú trọng câu chuyện chất lượng bất động sản xanh. Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành bộ tiêu chí về đô thị tăng trưởng xanh, bộ tiêu chí này sẽ có các con số cụ thể để mỗi hộ gia đình hay mỗi tòa nhà đều tuân thủ tăng trưởng xanh. Bởi tiếp cận một công trình không chỉ là mảng xanh mà còn là nhiều câu chuyện khác như câu chuyện tái sử dụng, sử dụng công nghệ trong quá trình xây dựng, vận hành sau đó để giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng.
Giải Pháp Thúc Đẩy Phát Triển Bất Động Sản Xanh?
Cũng theo ông Thịnh, để gia tăng số lượng các bất động sản xanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cần có những biện pháp cụ thể và toàn diện. Các biện pháp này trước hết đến từ vấn đề cơ chế, chính sách. Nhà nước cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng với các cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa các bon…
Đặc biệt, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, theo kịp các diễn biến thực tế. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
Cuối cùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh việc sử dụng truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới, trung hòa các bon; đưa các kiến thức chuyên môn về xanh vào đào tạo, giảng dạy trong các trường ĐH, Cao đẳng, Trung cấp nghề lĩnh vực xây dựng để giảng dạy cho sinh viên, học viên…
Khánh Chi