Bất Động Sản TP.HCM 3 Quý Liên Tục Tăng Trưởng Âm

Thị trường bất động sản TP.HCM ghi nhận tình trạng tăng trưởng âm liên tục trong 9 tháng đầu năm 2023, thông tin được Sở Xây dựng TP.HCM công bố mới đây.

Kinh Doanh Bất Động Sản TP.HCM Giảm Liên Tục 9 Tháng

Cụ thể, theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thống kê 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản TP.HCM tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm 11,58% và quý 1/2023 tăng trưởng âm đến 16,2%.
Đặc biệt, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm 2023 giảm 4,7% so với cùng kỳ. Trước đó 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.
Bất động sản TP.HCM liên tục ghi nhận tình hình trăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2023.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản TP.HCM đã có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường (gồm 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có chuyển biến tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên sự lệch pha nguồn cung vẫn chưa được khắc phục khi thiếu hụt nghiêm trọng nhà giá rẻ, phân khúc vốn có nhu cầu mua ở thực cao trên thị trường.
Cũng theo Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có 33 dự án có quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội với khoảng hơn 70.000 căn. Tuy nhiên, hiện nay hơn một nữa số dự án nhà ở xã hội trên vẫn trong tình trạng chưa giải tỏa xong, một số gặp khó khăn về tính tiền làm hạ tầng, khó khăn về xác nhận đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội…
Theo ông Trần Hoàng Quân, hoạt động kinh doanh bất động sản TP.HCM trong 3 quý liên tiếp đây vẫn tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên đã có biểu hiện tích cực dần trong về cuối năm về cả tỉ lệ tiêu thụ và nguồn cung nhà ở thương mại so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, thị trường vẫn còn khó khăn, dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.

Cần Giải Quyết Điểm Nghẽn Chính Sách Và Vốn

Lý giải khó khăn của thị trường bất động sản, ông Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng, nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn cải thiện từng tháng, từng quý nhưng năm nay khó có tăng trưởng cao, để đạt GDP 5% thì quý 4 phải tăng trên 7%. Trong bối cảnh đó, ngành bất động sản còn khó hơn vì liên quan thị trường tài chính, tín dụng.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung còn vướng 2 điểm nghẽn lớn là thể chế và hấp thụ vốn. Trong đó hấp thụ vốn được xem là bài toán khó khăn nhất hiện nay.
Từ cuối năm 2022, dòng tiền vào nhà đất đã sụt giảm mạnh do lãi suất cao. Cả năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng, giảm lãi suất, dự báo sẽ có sự tích cực cho tín dụng bất động sản từ đây đến cuối năm và qua năm 2024.
Bên cạnh đó, thị trường cũng cần giải quyết vấn đề lệch pha cung – cầu. Cần phải có chính sách khuyến khích phát triển các nhà thương mại giá rẻ cho người có nhu cầu thực và nhà ở xã hội. Ông Lịch cũng nhận định, tuy năm 2024, kinh tế chưa hi vọng khởi sắc mạnh mẽ nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2023.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là về cơ chế, chính sách. Cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt trong các quy định còn bất cập, nới các điều kiện để doanh nghiệp có thể triển khai nguồn cung mới, nhất là phân khúc nhà giá rẻ và nhà ở xã hội, giúp người mua tiếp cận nhà ở xã hội thuận lợi hơn.
@batdongsan.com.vn
♬ original sound – TinNhaDatVN.Com – TinNhaDatVN.Com
Hiện nay các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng đang được hoàn thiện, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ liên tục được ban hành", ông Châu nói về tín hiệu tích cực của ngành trong thời gian tới.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, theo đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ đặt ra, TP.HCM được giao 69.000 căn, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển thêm khoảng 92.000 căn nhà ở xã hội.
Thời gian tới, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua, có hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội nói riêng và pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại nói chung, khả năng thành phố sẽ cân bằng được nguồn cung cho nhà ở cả ba phân khúc cao cấp – trung cấp – bình dân”, đại diện Sở Xây dựng cho hay.
Ngoài ra, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, theo các chuyên gia, bên cạnh việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần chủ động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, phát triển các sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thực của thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp. Rà soát giá bán, thời hạn, phương thức thanh toán,… phù hợp nhu cầu thực tế, nhất là đối tượng có nhu cầu thực sự.
Phương Uyên