Bất động sản nghỉ dưỡng năm 2023 đã trải qua một năm vô cùng khó khăn. Trong năm 2024, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ diễn biến ra sao?
Bất Động Sản Nghỉ Dưỡng 2023: Nguồn Cung và Hấp Thụ Giảm Mạnh
Nhìn nhận về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2024 sẽ có nhiều thách thức. Trước đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2023 đã có những diễn biến không thực sự sáng sủa. Nguồn cung thị trường không đạt như kỳ vọng do một số dự án quy mô lớn tạm ngừng mở bán vì vướng mắc pháp lý.
Trong năm 2023, cả nước đón nhận khoảng hơn 3.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Giao dịch của thị trường chỉ đạt khoảng 700 sản phẩm – con số hấp thụ vô cùng thấp trong nhiều năm qua. Hàng tồn kho trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ các nhà đầu tư mua trước đó.
Nửa đầu năm 2023, nhiều chủ đầu tư liên tục hoãn, dời thời gian triển khai bán hàng bởi đặc trưng của phân khúc này là giá trị lớn, chủ yếu phục vụ mục đích đầu tư, rất khó thanh khoản trong bối cảnh thị trưởng khó khăn. Sang đến nửa cuối năm, nguồn cung được cải thiện từ các dự án condotel, chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam của các chủ đầu tư uy tín với mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2. Giá bán toàn thị trường nhìn chung là đi ngang, riêng giá sơ cấp tăng nhẹ so với các giai đoạn chào bán trước đó do các dự án đã gần hoàn thiện và đang được tập trung triển khai hạ tầng, tiện ích và dịch vụ. Thị trường xuất hiện một số chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận khiến khách hàng/nhà đầu tư “quay lưng” với phân khúc này.
Kịch Bản Nào Cho Thị Trường Bất Động Sản Nghỉ Dưỡng 2024?
Ông Hoàng Hữu Minh Dũng, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển của BHS Group cho biết, trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn và nhiều vướng mắc pháp lý, nhiều dự án nghỉ dưỡng đang “nằm im”, không thể hoặc không được khai thác, kéo theo khả năng thanh khoản hầu như không có mặc dù đã cắt lỗ. Các nhà đầu tư mất niềm tin và “khó” quay lại tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, pháp lý vướng mắc và khách hàng e ngại là 3 nguyên nhân lớn khiến bất động sản nghỉ dưỡng không thể khởi sắc ngay trong năm 2024. Thời điểm khách hàng quay lại với đầu tư nghỉ dưỡng là khi pháp lý được tháo gỡ, các dự án trở lại vận hành và có hiệu quả kinh tế.
Trong khi đó, trao đổi với TinNhaDatVN.Com, bà Miền có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có sự khởi sắc theo đà phục hồi chung của thị trường. Nguồn cung có cơ hội được cải thiện nhờ tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản cũng như các tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô, nhưng cung sẽ không tăng mạnh, chỉ khoảng 20% so với năm 2023. Phân khúc căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của bất động sản nghỉ dưỡng 2024 do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Nguồn cung sẽ chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ du lịch ở các dự án quy mô lớn, dự kiến chiếm ít nhất 60% thị phần.
Giá bán trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thứ cấp, giá bán sản phẩm căn hộ du lịch có mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số thị trường có tỷ lệ lấp đầy phòng cao. Tuy nhiên, cùng với giá bán, phương án về quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt, đặc biệt được khách hàng/nhà đầu tư quan tâm khi xuống tiền.
Cũng theo bà Miền, lực cầu đầu tư sẽ phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức, có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương. Giao dịch có xu hướng tăng nhưng là trong dài hạn. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch Covid-19, dự kiến lượng giao dịch sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2023 và kết quả có thể ấn tượng hơn nếu như nhận được cú huých đủ mạnh từ ngành du lịch.
Khánh Chi