Thứ nhất, tác động của đại dịch Covid-19. Nước ta về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch CoViD-19 với tỷ lệ người được tiêm chủng rất cao và đã sản xuất được thuốc điều trị, giúp cho nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch CoViD-19, chuyển sang trạng thái bình thường mới, chủ động thích ứng linh hoạt, sản xuất kinh doanh sống chung an toàn với vi-rút SarsCoV-2, các biến thể như Omicron…
Đại dịch CoViD-19 đã gây ra nhiều thiệt hại rất to lớn nhưng cũng đã tạo áp lực đổi mới toàn diện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bất động sản, nhất là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ như thực tại ảo VR, trí tuệ nhân tạo AI, internet kết nối vạn vật, blockchain, làm việc từ xa, qua zoom, xây dựng platform…
Thứ hai, tác động của các bất ổn địa chính trị và tranh chấp thương mại quốc t. Do nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu nên các bất ổn địa chính trị và tranh chấp thương mại quốc tế, bất ổn trong chuỗi cung ứng đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Thứ ba, tác động của “rủi ro” tiềm ẩn lạm phát, chỉ số CPI tăng cao hơn mức mục tiêu. Dưới các tác động khó lường từ bên ngoài và gói kích thích kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội với giá trị hơn 350 nghìn tỷ đồng cũng gây ra “rủi ro” tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát, tăng chỉ số CPI cao hơn mức mục tiêu trong năm 2022. Nhưng, với tỷ trọng phần lớn gói kích thích kinh tế nhằm thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có khoảng 15.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động nên đã hạn chế “rủi ro” nguy cơ lạm phát.
Thứ tư, tác động của chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản. Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào năm 2022 Quốc hội sẽ tạo chuyển biến bước ngoặt trong công tác xây dựng pháp luật, sẽ xem xét các Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), Đề án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đề án Luật Đất đai (sửa đổi). Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét lại và chấp thuận đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 đề nghị công nhận trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” tháo gỡ “ách tắc” cho các dự án khu đô thị, nhà ở có quy mô diện tích lớn, khắc phục tình trạng “lệch pha cung-cầu” trên thị trường và tình trạng thiếu hụt nhà ở có giá phù hợp. Cùng với đó là việc khắc phục các “vướng mắc” pháp lý đối với loại hình “bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”.
Theo Hiệp hội BĐS TPHCM, thị trường bất động sản năm 2022 có xu thế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trên tất cả các phân khúc thị trường, nhưng chưa thể cải thiện được ngay nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại “nhà ở có giá phù hợp với thu nhập” do cần phải có thời gian để tiếp tục xây dựng bổ sung hệ thống cơ chế chính sách và do tác động của các quy định pháp luật có “độ trễ” và do đặc thù của quá trình đầu tư xây dựng dự án bất động sản để có sản phẩm nhà ở cũng có “độ trễ” (khoảng 18-24 tháng), nên nhìn tổng thể thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập.
Phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp, logistics được hưởng lợi do xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm 2022.
Phân khúc thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có sự tái cấu trúc theo hướng nâng cao chất lượng, dịch vụ, tiện ích để phát triển bền vững và ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta theo định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị.
#/4-tac-dong-lon-den-thi-truong-bds-nam-2022-nha-dau-tu-can-biet-20220306165024397.chn