Dưới đây là chia sẻ của chị Ánh Dương về câu chuyện mua đất, xây nhà của vợ chồng chị:
Tôi 34 tuổi, chồng tôi 37 tuổi, cả hai đều là dân tỉnh lẻ, vì vậy việc sở hữu một ngôi nhà tại Thủ đô luôn là ước mơ cháy bỏng của chúng tôi. Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi cũng có tiền vàng và tiền mừng cưới tổng cộng được hơn 100 triệu đồng. Tôi đem gửi tiết kiệm luôn để dành sau này mua nhà.
Khi ấy, tôi đang là chuyên viên một công ty truyền thông lương tháng 9 triệu đồng, chồng tôi là kỹ sư phần mềm, lương tháng 14 triệu đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ ngót nghét 23 triệu đồng/tháng. Để có thể hiện thực hóa giấc mơ mua nhà, vợ chồng tôi cùng thảo luận và vạch ra kế hoạch chi tiêu gia đình hàng tháng làm sao để tích lũy được nhiều nhất. Cụ thể, lương của tôi dùng để chi tiêu mọi sinh hoạt trong gia đình, còn 14 triệu đồng lương của chồng dành để gửi tiết kiệm. Nếu tháng nào có phát sinh như ma chay, cưới hỏi thì 2 vợ chồng vẫn cố gắng xoay sở, vay mượn người thân, bạn bè rồi tháng sau bù vào chứ không đụng đến số tiền gửi tiết kiệm kia.
Nhờ có kế hoạch tích lũy khoa học mà sau 4 năm vợ chồng chị Ánh Dương đã mua được đất, xây nhà tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Sau hơn 4 năm, nhờ chi tiêu tiết kiệm và hạn chế mua sắm tối đa, vợ chồng tôi tích cóp được hơn 670 triệu đồng. Cộng với số tiền hơn 100 triệu để dành được lúc cưới và tiền lãi trong quá trình gửi tiết kiệm, vợ chồng tôi có trong tay khoảng 800 triệu đồng. Lúc này hai vợ chồng bắt đầu chiến dịch tìm một mảnh đất ở ngoại thành để sau xây nhà vì cả hai vợ chồng tôi đều không thích ở chung cư.
Nghe nói hoặc đọc ở đâu có bán nhà hoặc đất là 2 vợ chồng lại lật đật đến xem nhưng xem rất nhiều nơi vẫn không hài lòng. Có hôm tôi phi xe xuống tận Văn Điển, Thanh Trì,… vào sâu các ngõ ngách theo sự chỉ dẫn của người bán để xem đất, khi về thì trời đã tối mịt. Sau hơn 2 tháng ròng rã bỏ thời gian và công sức để tìm mua đất, cuối cùng chúng tôi đã tìm được một mảnh đất ưng ý ở xã Nam Hồng, Đông Anh. Mảnh đất có diện tích 40m2, có sổ đỏ, nằm trong ngõ sâu, chủ nhà ra giá 820 triệu đồng. Nhưng sau thấy vợ chồng tôi hiền lành lại mua để ở chứ không buôn bán gì nên chủ đất đã đồng ý bớt cho 15 triệu, còn 805 triệu đồng.
Sau khi hoàn tất thủ tục mua đất và sang tên sổ đỏ, vợ chồng tôi đánh liều dùng chính mảnh đất đó thế chấp vay ngân hàng 500 triệu trong vòng 10 năm để xây một căn nhà nhỏ.
Hoàn thành nhà xong, vợ chồng tôi còn ngỡ như mơ khi có một căn nhà riêng đúng nghĩa. Để có được căn nhà này, vợ chồng tôi đã phải trải qua cả một quá trình khổ cực suốt 4 năm trời. Đó là quãng thời gian mà 2 vợ chồng chen chúc trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp ở Cổ Nhuế, những ngày nắng nóng mồ hôi ướt đầm áo nhưng không dám lắp điều hòa, rồi những ngày tôi cặm cụi viết bài thuê tới khuya… Nhưng sau tất cả những nỗ lực quên mệt mỏi đó, chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình.
Sau khi dọn về nhà mới được một thời gian thì tôi sinh em bé nên chi phí sinh hoạt cũng tốn kém hơn trước. Hiện tại, hàng tháng vợ chồng tôi phải trả ngân hàng cả gốc và lãi khoảng 8 triệu đồng nhưng rất may là công việc của chồng tôi thuận lợi, thu nhập cũng tăng lên một chút nên chúng tôi cũng bớt áp lực. Trừ đi số tiền trả nợ ngân hàng và chi tiêu cho gia đình, tôi vẫn dành ra được 1 khoản nhỏ để phòng khi con ốm đau.
Nói thật trong suốt 5 năm qua, gia đình tôi dù chưa có điều kiện mua sắm nội thất đầy đủ, nhà không sofa, tủ kệ, vẫn phải chi tiêu tiết kiệm… nhưng chúng tôi vẫn sống rất vui vẻ và hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng ai xây nhà mà không phải vay nợ. Có nợ mới có động lực để kiếm tiền. Khi nào thoát được gánh nặng nợ nần này, vợ chồng tôi sắm sửa nội thất và hưởng thụ cũng chưa muộn. Hi vọng rằng câu chuyện của gia đình tôi sẽ giúp các cặp vợ chồng trẻ có thêm động lực cố gắng cày cuốc để mua nhà.
Kinh nghiệm tiết kiệm tiền để mua đất xây nhà của chị Ánh Dương: 1. Ngay khi nhận lương hàng tháng, hãy gửi tiết kiệm trước một khoản định sẵn sau đó mới chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu. 2. Khoản tiết kiệm để mua nhà không được sử dụng cho bất cứ nhu cầu nào khác. 3. Với số tiền còn lại, hàng tháng phải chi tiêu thật tiết kiệm và dành dụm tiền lẻ (có thể bằng cách bỏ heo đất) để dùng cho một số việc phát sinh, tránh việc phải dùng đến khoản tiền đã tiết kiệm cho mục tiêu mua nhà. 4. Hãy mua sắm thông minh. Nói không với việc mua sắm theo cảm xúc và tránh những trường hợp mua sắm "vung tay quá trán" cho những khoản chi tiêu và đồ dùng không thực sự cần thiết. Nên tận dụng các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng voucher để mua sắm. 5. Bạn hoàn toàn có thể vay ngân hàng, bạn bè người thân để mua/xây nhà nhưng chỉ nên vay số tiền trong khả năng của mình. Điều này sẽ giúp bạn không bị “đuối” trong quá trình trả nợ. |
Hà Nhung (ghi)