Trước khi bóng ma Covid xuất hiện, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là gặp nhiều khó khăn bởi nguồn cung hạn hẹp, giá một số nơi tăng cao, dòng bất động sản nghỉ dưỡng đổ vỡ cam kết. Covid xuất hiện khiến những người lạc quan nhất cũng đã tưởng tượng đến một cơn đại hồng thủy cuốn trôi mọi thành tựu kinh tế và một sự đổ vỡ trên diện rộng của thị trường bất động sản.
Nhưng thật kỳ lạ, từ sau khi giãn cách xã hội (ngày 23/4) thì thị trường như bừng tỉnh, mọi hoạt động mua bán diễn ra sôi động như chưa có chuyện gì xảy ra. Có thể đơn cử như một số dự án: Vinhomes Ocean Park (trung bình bán 150 căn/tuần), Windham Lyntime Thanh Thuỷ (50 căn/tuần), Sky Oasis - Ecopark (bán 800 căn xuyên dịch), Legacy Hill Hoà Bình (trên 100 căn booking trong 1 tuần), Citadines Marina Hạ Long (250 căn trong 15 ngày mở bán)... Thị trường miền Nam có sự chuẩn bị quy mô của các chủ đầu tư như Novaland với dự án Aqua City, Nam Long với Waterpoint, Đất Xanh với GEM Sky World Long Thành... và được các nhà đầu tư đón nhận thông tin khá tích cực. Vậy thì đâu là nguyên do cho sự hứng khởi này? Có thể đưa ra một vài suy luận cơ bản sau:
Thứ nhất, sự khác nhau giữa khủng hoảng kinh tế năm 2011 và nguy cơ năm 2020. Năm 2011, khi kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng thì Việt Nam lại chìm trong lạm phát và thất nghiệp. Lãi suất ngân hàng cho vay trung dài hạn lên tới 18% đến 20%, điều này khiến tiền trong dân khan hiếm, nhu cầu đầu tư đặc biệt là đầu tư bất động sản bằng không. Còn chưa kể đến đó là hệ lụy của việc phát triển tràn lan các dự án phân lô bán nền không đủ điều kiện, sự quản lý lỏng lẻo của các doanh nghiệp Nhà nước và đặc biệt là “không có các chủ đầu tư lớn đủ tầm” dẫn dắt thị trường theo hướng minh bạch và chất lượng. Cung thừa và cầu yếu dẫn đến kịch bản thị trường đóng băng vài năm sau đó.
Trong khi đó, bối cảnh hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu rất lớn. GDP các năm từ 2013-2019 tăng từ 6,8-7% mỗi năm, chỉ số lạm phát thường chỉ từ 3,5-4,5%, hệ thống ngân hàng hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, ngành bất động sản đã tạo lập một thế hệ vàng các chủ đầu tư uy tín, đủ tài, đủ tâm và tầm dẫn dắt thị trường. Có thể kể tới Vingroup, Sungroup, FLC Group, BIMGroup, Novaland, Himlamland, MIK, TNR..., các sản phẩm từ tay các chủ đầu tư này vừa đạt chất lượng cao về quy hoạch, vừa đạt đẳng cấp về cảnh quan và tiện ích. Vì vậy, nguồn cung được chuẩn hoá và cạnh tranh nhau, đó là thành tựu của 7 năm thay đổi. Tuy vậy, cũng tại thời điểm này, những khó khăn về thủ tục pháp lý khiến các chủ đầu tư không thể cho ra thật nhanh các sản phẩm của mình. Điều đó dẫn đến một bối cảnh thị trường “cung yếu - cầu cao - giá khó giảm”.
Thứ hai, một loạt các thông tin tốt cho thị trường liên quan đến tháo gỡ pháp lý như: Cấp sổ cho Condotel, Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều trong Luật Đấu thầu, Bộ xây dựng cho phép chia căn hộ 25m2,... và đặc biệt gần đây, Bộ Tài nguyên - Môi trường rút lệnh cấm phân lô bán nền ở ngoại thành Hà Nội và TP.HCM. Đó thực sự là những điểm mấu chốt vô cùng tích cực để tháo gỡ cho các chủ đầu tư.
Thứ ba, Việt Nam như đang sống khép kín trong một quả bóng nhiều ôxy. Ta có thể thấy rằng, hiện tại tình hình kinh tế, chính trị thế giới rất phức tạp và nhiều điều kiện bất lợi. Tuy nhiên, Việt Nam hay nói chính xác là tâm lý người Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng gì nhiều. Bên cạnh đó, chính phủ lại tìm nhiều giải pháp để bơm tiền ra thị trường (dự kiến tổng lượng tiền bơm ra qua các kênh lên tới 900 ngàn tỷ). Điều này khiến 100 triệu người dân Việt Nam như sống trong một thế giới thu nhỏ chỉ tiêu tiền Việt và dùng hàng Việt. Không biết điều tích cực này có thể kéo dài bao lâu nhưng trong ngắn hạn điều đó tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt là nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản.