Những điểm nổi bật của thị trường bất động sản trong năm 2021
Trao đổi với TinNhaDatVN.Com, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã phác thảo những điểm chính của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021. Đối mặt với dịch bệnh gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có bất động sản nhưng giá bất động sản vẫn liên tục tăng bất chấp Covid. Đơn cử, giá căn hộ tại TP. HCM bị đẩy tăng gần 100% thời điểm năm 2018 dù mức giá này có rất ít giao dịch và thanh khoản trên thị trường kém.
Năm 2021, giá bất động sản vẫn liên tục tăng bất chấp Covid-19
Mức giá dao động mạnh tại hầu khắp các địa phương cho thấy quá trình đô thị hoá đang diễn ra cân bằng tại khắp các địa phương. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân của hiện tượng tăng giá. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kết nối và phát triển mạnh, xu hướng dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng cũng đã đẩy giá bất động sản tăng cao. Đặc biệt, thiếu hụt nguồn cung do việc kiểm soát, rà soát chặt chẽ pháp lý nhằm đảm bảo minh bạch là thách thức mà thị trường đối mặt nhiều năm nay và vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.
Cũng theo ông Đính, thị trường đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Thực trạng thị trường là giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án, giá nhà tăng nhưng thanh khoản lại không tăng tương xứng. Tuy nhiên, các chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể. Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung mạnh vào cùng cố thể chế và hành lang pháp lý nhằm đảm bảo thị trường phát triển minh bạch và lành mạnh.
Thị trường bất động sản Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết dù đang ở giai đoạn đầy thách thức, khó khăn nhưng trong dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng. Việt Nam là thị trường năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á khi duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng sẽ rất tích cực trong 20 năm tới đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ.
Việt Nam là thị trường năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á với dân số đô thị liên tục tăng qua các năm
Hiện số dân đô thị của Việt Nam là 44 triệu người, chiếm 45% dân số. Việt Nam có 862 đô thị. Năm 2025 dự báo dân số đô thị sẽ tăng lên 52 triệu người, chiếm 50% dân số, với khoảng 1.000 đô thị. Trong đó, sẽ có ít nhất một siêu đô thị trên 10 triệu dân, 5 đô thị có từ 5-10 triệu dân. Dự báo giai đoạn 2050 -2070, tỉ lệ dân đô thị sẽ đạt tới 70-75%. Mức độ đô thị hoá của Đông Nam Á, theo dự báo của OECD sẽ lên tới trên 90% vào năm 2070.
Bên cạnh đó, ông Đính nhấn mạnh tiềm năng của thị trường bất động sản còn đến từ nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Riêng trong giai đoạn 2020 – 2030 tại Việt Nam, nhu cầu đất xây dựng đô thị năm 2020 là khoảng 400.000 ha. Con số này sẽ lên tới 450.000 ha năm 2025. Diện tích đất đô thị trung bình 85-90 m2/người. Nhà ở đô thị bình quân đạt trên 15-20 m2/người, đường quốc lộ tăng thêm 5.000km, đường cao tốc tăng hơn 4 lần, từ 1.163km lên 5.000km. Việt Nam sẽ có thêm 6 sân bay và 1 cảng biển quốc tế. Hệ thống mạng lưới giao thông này sẽ tạo nền tảng để bất động sản Việt Nam tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Ông Đính nhấn mạnh, tiềm năng và sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đang được đặt trong một bối cảnh đầy biến động khi nhiều thị trường bất động sản lớn của Châu Á đang đối mặt nhiều khó khăn như Trung Quốc đang trong giai đoạn bất ổn sau một thời gian dài tăng trưởng quá nóng với Evergrande gặp khủng hoảng về phát hành nợ, đối diện với nguy cơ phá sản, Hồng Kông bất ổn về chính trị. Trong khi đó, từ đầu 2021 tới nay thị trường nhà ở Đông Nam Á đang hút dòng vốn, thị trường nhà đất Singapore nóng, trở thành điểm thu hút dòng vốn của giới nhà giàu. Và Việt Nam duy trì sức cạnh tranh tương đối về giá và tài nguyên so với các nước trong khu vực.
Duy Bách