Kể từ khi xuất hiện, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đã có khoảng 1 thập kỷ phát triển với nhiều thăng trầm. Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam nói chung vẫn đang đối mặt nhiều thách thức, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện đang diễn biến ra sao?
Bất Động Sản Nghỉ Dưỡng: Thăng Trầm Một Thập Kỷ Phát Triển
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2015. Thời điểm này, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng lên tới 50% mỗi năm cho đến khi có sự giảm sút mạnh trong năm 2018 rồi liên tục biến động bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan vào những năm sau đó.
Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2017, cùng với sự phát triển đa dạng về du lịch, hàng nghìn dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được phát triển, tập trung ở khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… được các “ông lớn” BĐS phát triển, với sự tham gia của các đơn vị nước ngoài có thương hiệu và uy tín. Đây cũng là giai đoạn bùng nổ sản phẩm condotel, khi các dự án loại hình này ồ ạt mọc lên, đưa ra thị trường vào những năm 2016-2017 với mức hấp thụ rất tốt.
Tuy nhiên, đến năm 2018, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đổi chiều suy giảm do có nhiều bất cập nội tại khiến nhà đầu tư e ngại như tính pháp lý của condotel; năng lực vận hành, cam kết của chủ đầu tư, giá,… Năm 2020, tác động của dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu đóng băng và không có giao dịch cho tới hết năm 2021.
Đầu năm 2022, dòng tiền dễ với lãi suất thấp được bơm vào thị trường, hướng vào hoạt động đầu cơ, kéo theo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc. Thời điểm này, bất động sản nghỉ dưỡng đã mau chóng đón đầu làn sóng du lịch hậu Covid, đối với cả khách trong và ngoài nước. Ngay trong quý đầu năm 2022, các ông lớn bất động sản dồn dập công bố, đề xuất đầu tư, tài trợ lập quy hoạch những dự án nghỉ dưỡng hàng trăm đến vài chục nghìn ha, thậm chí hàng tỷ USD. Thế nhưng chưa được bao lâu thì đến giữa tháng 5 năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng.
Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác đã khiến điều kiện thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là nhiều rủi ro và lãi suất tăng. Dòng tiễn dễ gần như không còn khi càng về cuối năm. Cùng với các vấn đề pháp lý chưa được giải quyết, hàng loạt dự án BĐS phải tạm dừng triển khai, trong đó phần lớn là các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Hàng loạt doanh nghiệp phải “trả giá" vì phát triển ồ ạt ở các giai đoạn trước, nhiều dự án bị tạm dừng khiến lượng tồn kho tăng mạnh, trong khi nguồn cung mới sụt giảm nghiêm trọng.
Năm 2023, cả nước có khoảng 3.165 sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Lượng giao dịch cũng chưa phục hồi như kỳ vọng, toàn thị trường chỉ ghi nhận 726 giao dịch thành công trong năm 2023. Bởi các dự án vẫn đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng. Trong khi hàng tồn kho chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ các nhà đầu tư mua trước đó. Tại thị trường thứ cấp, các sản phẩm biệt thự biển, shophouse nghỉ dưỡng cũng phải đối mặt với thực tế khó thanh khoản dù giá đã giảm sâu.
Sắp ra mắt báo cáo Thị trường bđs quý 1/2024
Báo cáo quý 1/2024 của TinNhaDatVN.Com với chủ đề "Khởi động" sẽ mang đến 3 nội dung hữu ích, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, mua bán BĐS có thông tin tổng quan, cập nhật về thị trường để đưa ra quyết định tự tin hơn.
Bất Động Sản Nghỉ Dưỡng: Đang Diễn Biến Ra Sao?
Cũng theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, trong khi các phân khúc khác đều đã có nhiều dấu hiệu phục hồi thì bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “ảm đạm" dù ngành du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ, gần tiến tới mức tương đương năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19 khi 2 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với năm 2019.
Ông Đính cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án hạ tầng… Đặc biệt là hấp lực từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, sẽ là động lực để các doanh nghiệp phát triển dự án đẩy nhanh tiến độ, đẩy thêm nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng mới vào thị trường. Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường bất động sản. Đồng thời, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… thời gian tới có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại.
Dự kiến nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 sẽ có cơ hội cải thiện khoảng 20% so với năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của thị trường do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cần nỗ lực để thích nghi với các xu hướng mới, đem tới những trải nghiệm mới, những sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích”, ông Đính nhấn mạnh.
Nguyễn Nam