Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng với 78/94 trường hợp liên quan đến giá đất.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn liên quan đến giá đất. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tỉnh hiện có 3 mặt bằng giá đất, gồm: Bảng giá đất của Nhà nước để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính; Bảng giá Nhà nước nhân hệ số điều chỉnh do Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành hàng năm, dùng để xác định nghĩa vụ tài chính với các thửa đất dưới 20 tỷ đồng; Giá đất cụ thể.
Ông Lợi nhận định, việc hình thành 3 mặt bằng giá khiến thời gian thực hiện dự án bị ảnh hưởng, từ việc khảo sát, so sánh giá, thẩm định, phê duyệt..., hơn nữa cũng sẽ gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Một vấn đề khác là chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng dự toán, xác định vốn đầu tư.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, Chính phủ đang áp dụng khung giá đất nông nghiệp tối đa là 300.000 đồng/m2. Điều này kéo theo những bất cập khi xây dựng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh với đất nông nghiệp trong khu dân cư đô thị.
Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, UBND cấp huyện đã tiến hành thuê đơn vị tư vấn khảo sát giá đất cụ thể để bồi thường cho phù hợp với giá thị trường. Nhưng theo quy trình, việc xác định giá đất cụ thể được thực hiện tại thời điểm có thông báo thu hồi đất. Thời điểm khảo sát giá đất đến thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng hộ dân là từ 95-130 ngày làm việc.
Trong khi đó, giá trên thị trường lại tăng lên dẫn đến trường hợp giá được phê duyệt không còn phù hợp, gây khó khăn cho công tác bồi thường, các dự án bị triển khai chậm.
Khánh Trang