Đặc khu hành chính Hồng Kông bắt đầu trải qua tình trạng bất ổn vào mùa xuân năm 2019 - khi các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra nhằm chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Dù dự luật này cuối cùng đã được rút lại, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vẫn tiếp diễn mạnh mẽ. Tháng 6/2020, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới, làm giảm quyền tự trị của Hồng Kông và kéo theo hàng loạt các vụ bắt giữ người biểu tình, nhà hoạt động vì dân chủ. Tương lai chính trị đầy bất ổn khiến người dân Hồng Kông cảm thấy lo lắng. Nhiều người, đặc biệt là giới nhà giàu, đã quyết định di cư để bảo đảm an toàn và tài sản.
Chính phủ Vương quốc Anh gọi luật an ninh mới này là “sự vi phạm rõ ràng và nghiêm trọng” Tuyên bố chung Trung-Anh - theo đó Trung Quốc phải tôn trọng sự độc lập hợp pháp của Hồng Kông cho đến năm 2047. Anh đã công bố một hệ thống thị thực mới có tên là BN (O), cho phép hàng triệu người Hồng Kông đến sống và làm việc ở xứ sở sương mù.
Chính phủ Anh ước tính khoảng 5,4 triệu cư dân Hồng Kông - tương đương với 72% dân số - đủ điều kiện xin cấp thị thực BN (O) và khoảng 300.000 người dự kiến sẽ theo đuổi con đường di cư này trong 5 năm tới.
Căn "siêu biệt thự" rộng 5.800m2 ở London được tỷ phú bất động sản Hồng Kông Cheung Chung-kiu mua với giá 200 triệu bảng đầu năm 2020. Ảnh: AFP
Arthur Sarkisian, Giám đốc điều hành công ty đầu tư nhập cư Astons, nhận định: “Trong khi nhiều điểm đến trên toàn cầu thể hiện sức hút mạnh mẽ, thị trường bất động sản Anh cung cấp một nơi trú ẩn an toàn, ổn định và giàu tiềm năng tăng trưởng.”
Năm 2020 đã chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ về mức độ quan tâm đến bất động sản London từ dân Hồng Kông. Theo Astons, người Hồng Kông là nhóm khách mua nước ngoài lớn thứ hai ở vùng trung tâm thủ đô London trong ba quý đầu năm 2020. Họ chiếm 9,2% giao dịch mua bất động sản của người nước ngoài và chi khoảng 305,5 triệu bảng cho 243 giao dịch, tương đương khoảng 1,19 triệu bảng (1,67 triệu USD) cho mỗi bất động sản.
Trong quý 4/2020, đại lý bất động sản Benham