Cuộc sống càng hiện đại, con người càng có xu hướng tìm về những giá trị xưa cũ, in đậm dấu ấn lịch sử. Sự trở lại của phong cách Đông Dương (phong cách Indochine) những năm gần đây là một minh chứng rõ nét cho nhận định trên. Giữa những phong cách thiết kế hiện đại, công nghiệp, Indochine vẫn tìm được chỗ đứng riêng trong các căn hộ chung cư, biệt thự, khách sạn, homestay, nhà hàng,… Vậy phong cách Đông Dương – Indochine là gì? Những đặc trưng nào làm nên phong cách Đông Dương? Cùng TinNhaDatVN.Com tìm hiểu về phong cách Đông Dương trong bài viết dưới đây.
1. Phong cách Đông Dương là gì?
Trong tiếng Pháp, Indochine là từ dùng để chỉ các nước thuộc bán đảo Đông Dương (hay còn gọi là bán đảo Trung-Ấn) bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Các nước này có bề dày lịch sử và nền văn hóa Á Đông rất đặc trưng, giàu bản sắc. Những yếu tố văn hoá, lịch sử đã thổi hồn vào kiến trúc bản địa nét mộc mạc, đằm thắm rất riêng, cuốn hút các kiến trúc sư người Pháp. Họ đã kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp lãng mạn của kiến trúc Pháp và cảm hứng Á Đông huyền bí để tạo thành phong cách Đông Dương - Indochine. Phong cách nội thất châu Âu đã được nhiệt đới hóa để phù hợp với khí hậu, văn hóa Đông Dương, kết hợp với phong cách mỹ thuật bản địa đã tạo nên cho Indochine tính thẩm mỹ cao, vô cùng tinh tế, giàu cảm xúc.
Phong cách Đông Dương (Indochine) kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp lãng mạn của kiến trúc Pháp và cảm hứng Á Đông huyền bí.
Ban đầu, phong cách Đông Dương trong thiết kế nội thất phục vụ chủ yếu cho tầng lớp tư sản, tiểu thị dân. Ngay từ khi mới xuất hiện, phong cách thiết kế này đã được đánh giá cao, trở thành xu hướng phổ biến trong những công trình kiến trúc thời bấy giờ, tiêu biểu như Nhà Hát Lớn, Dinh Độc Lập,... Sau này, những chi tiết thể hiện bản sắc dân tộc Việt Nam đã được chọn lọc, biến đổi để phù hợp với thị hiếu của nhiều thế hệ, tầng lớp suốt chiều lịch sử. Sự đơn giản, tinh tế nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi khiến phong cách này hoàn toàn thích ứng được với cuộc sống hiện đại, mang đến sự thoải mái, tiện nghi cho người sử dụng.
Không gian nhà ở hiện đại được thiết kế theo phong cách Indochine đầy tinh tế mà vẫn đảm bảo thoải mái, tiện nghi.
2. Đặc trưng của phong cách Đông Dương
Chất liệu sử dụng
- Gỗ: Mộc mạc, tự nhiên nhưng không kém phần sang trọng, đẳng cấp, chất liệu gỗ rất được ưa chuộng, xuất hiện trong nhiều phong cách khác nhau, trong đó có Indochine. Ngôi nhà theo phong cách này ứng dụng gỗ ở các hạng mục như hệ thống cửa, sàn, trần nhà, hệ khung kết cấu, các chi tiết trang trí như phù điêu, tượng,…
Gỗ mang lại vẻ mộc mạc, tự nhiên mà sang trọng, quý phái cho không gian phong cách Indochine.
- Tre, mây: Nếu gỗ được sử dụng làm kết cấu, đồ nội thất và những chi tiết chính thì tre, mây thường xuất hiện ở các món đồ trang trí, tấm vách ngăn, tạo điểm nhấn đem đến hiệu ứng thẩm mỹ mới cũng như sự mềm mại cần thiết cho không gian Indochine.
Vách ngăn, tủ, chạn bằng mây, tre là những chi tiết quen thuộc trong nội thất phong cách Indochine.
- Gạch: Phong cách nội thất Đông Dương ứng dụng gạch bông, gạch nung thường để lát sàn, tạo nên vẻ đẹp sang trọng nhưng không kém phần tinh tế, uyển chuyển.
Sàn gạch đen-trắng cổ điển góp phần hoàn thiện cảm hứng Indochine của không gian.
Màu sắc
Nếu phong cách nội thất hiện đại tạo điểm nhấn với những gam màu tươi sáng thì Indochine ghi dấu ấn thẩm mỹ riêng biệt bằng những gam màu trung tính, mang hơi hướng hoài cổ như vàng, nâu, trắng,… kết hợp với màu sắc của các chất liệu thô như gỗ, tre, gạch,... Đây chính là nét đặc trưng Á Đông không dễ nhầm lẫn, pha trộn. Ngoài ra, những màu sắc nhiệt đới như vàng cam, đỏ, tím cũng được sử dụng nhiều để tạo điểm nhấn.
Màu vàng là một trong những gam màu đặc trưng cho phong cách Đông Dương.
Sắc trầm làm nên nét hoài cổ của không gian phong cách Indochine.
Những gam màu trung tính dễ kết hợp với chất liệu thô như gỗ, tre,...
Họa tiết
Ngoài tính thẩm mỹ của thiết kế, phong cách Indochine cũng rất chú trọng đến chiều sâu, giá trị của họa tiết trang trí. Các thiết kế theo phong cách này thường sử dụng những họa tiết trang trí thường mang màu sắc văn hóa bản địa như họa tiết tứ linh (long, ly, quy, phượng), hoa sen, hoa văn thời Đông Sơn, hoa lá cách điệu, hình khối đơn giản, hình kỷ hà, tĩnh vật,... Bên cạnh đó, tượng Phật cũng xuất hiện nhiều trong những không gian mang đặc trưng thiết kế Indochine, tạo cảm giác bình yên, giác ngộ, thoát tục. Nhiều họa tiết, hoa văn đã trở thành biểu tượng đặc trưng của phong cách Indochine, được ứng dụng rộng rãi trong trang trí sàn, tường, trần, vách ngăn, đồ nội thất,…
Họa tiết kỷ hà ghi dấu ấn Indochine trong thiết kế nhà ở hiện đại.
Nhiều họa tiết, hoa văn đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho phong cách thiết kế Indochine.
3. Ứng dụng phong cách Đông Dương trong kiến trúc, nội thất hiện đại
Phong cách Đông Dương trong nội thất nhà ở
Nhà ở theo phong cách Đông Dương không còn xa lạ với thị hiếu người Việt. Không chỉ được ứng dụng trong những căn biệt thự, biệt phủ rộng rãi, cảm hứng Indochine còn xuất hiện trong nhiều căn hộ chung cư hiện đại, diện tích khiêm tốn. Các công trình nhà ở theo phong cách Indochine ở nước ta hiện nay được đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ, độ bền vừa phù hợp với khí hậu và lối sống của người Việt. Nếu khéo léo trong cách sắp xếp và chọn nội thất, căn hộ phong cách Indochine sẽ vừa sang trọng, vừa tiện nghi, lại thể hiện được gu thẩm mỹ của gia chủ.
Căn hộ hiện đại tạo sự khác biệt nhờ phong cách Đông Dương.
Thiết kế bếp theo phong cách Đông Dương.
Phong cách Đông Dương trong nội thất nhà hàng, khách sạn, homestay, quán cafe,...
Ngoài không gian nhà ở, nhiều người cũng lựa chọn Indochine làm phong cách chủ đạo cho mô hình kinh doanh khách sạn, nhà hàng, homestay hay quán cafe của mình. Phong cách thiết kế này tạo dấu ấn riêng, vừa gìn giữ nét kiến trúc, văn hóa truyền thống, vừa thu hút những khách hàng có xu hướng hoài cổ.
Thiết kế quán cafe phong cách Đông Dương
Phong cách này cũng được nhiều chủ sở hữu homestay lựa chọn cho mô hình kinh doanh của mình.
Một phòng khách sạn mang phong cách Indochine nhẹ nhàng, lãng mạn.
Lan Chi (T.H)
>> Scandinavia - Phong cách Bắc Âu tôn vinh sự đơn giản mà tinh tế
>> Giải mã phong cách nội thất tối giản Minimalist