Những câu hỏi cần làm rõ trước khi cải tạo nhà

Bạn muốn cải tạo nhà cho chính mình và gia đình để tận hưởng lợi ích, tiện nghi lâu dài từ ngôi nhà hay đang có kế hoạch bán nhà trong tương lai gần nên cải tạo để bán nhanh, được giá? Đây là một trong những câu hỏi cần được làm rõ trước khi quyết định sửa chữa, cải tạo nhà để công cuộc cải tạo đạt hiệu quả tối ưu, không lãng phí tiền của, công sức, thời gian.

Sửa chữa, cải tạo nhà có thể làm tăng giá trị không gian sống của bạn, nhưng nếu không xem xét, tính toán và thực hiện hợp lý, hiệu quả cải tạo có thể không được như mong đợi, thậm chí thành “thảm họa”, "dở dở ương ương", gây tốn kém không cần thiết. Để tránh rủi ro này, trước khi bắt tay vào công cuộc cải tạo nhà, chuyên gia khuyên bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

1. Ngôi nhà có đáng để đầu tư cải tạo không?

Nếu dự định cải tạo một ngôi nhà, hãy chắc chắn rằng bản thân ngôi nhà đó đã có sẵn những lợi thế, giá trị của nó, chưa tính tới những giá trị mà việc cải tạo có thể đem lại. Theo Robin Kencel, nhà môi giới bất động sản với 20 năm kinh nghiệm bán nhà ở Greenwich, Connecticut, Mỹ, bạn nên xác định xem ngôi nhà có ưu điểm nào nổi bật, ví dụ như kết cấu xây dựng rất chắc chắn hay nằm ở vị trí đẹp hay không. Nếu không, tốt nhất là không nên đầu tư cải tạo vì rất có thể bạn sẽ tốn tiền mà vẫn không nâng được giá trị ngôi nhà như mong đợi. 

Những vấn đề cần làm rõ trước khi cải tạo nhà
Trước khi quyết định cải tạo nhà, cần xác định xem ngôi nhà có xứng đáng để đầu tư cải tạo hay không.

2. Ngân sách dự trù cho cải tạo là bao nhiêu? Có dự trù cho các khoản phát sinh không? 

Thông thường, quá trình cải tạo dễ phát sinh chi phí do gia chủ thay đổi thiết kế hoặc chủng loại vật tư cao cấp, tốn kém hơn mong muốn ban đầu. Lập ngân sách dự trù cho việc cải tạo và tuân thủ ngân sách đó là cách đơn giản để tránh phát sinh chi phí quá mức so với khả năng chi trả của bạn. 

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những trường hợp phát sinh chi phí mà gia chủ khó có thể lường trước. Ví dụ, quá trình thi công cải tạo có thể làm hỏng hóc thứ gì đó cần phải thay mới, hoặc đồ dùng, tiện nghi cũ không tương thích với không gian sau cải tạo. Vì vậy, khi lập ngân sách dự trù, bạn hãy cố gắng dành thêm một khoản tương đương 10-20% ngân sách ban đầu đề phòng cho những hạng mục phát sinh này. 

3. Bạn cần gì và muốn gì?

Trong quá trình lập ngân sách dự trù cho việc cải tạo, hãy phân định rạch ròi giữa những thứ thực sự cần thiết cho ngôi nhà và những thứ bạn mong muốn. Theo Kencel, để kiểm soát chi phí, không bị “quá tay”, bạn hãy ưu tiên những thứ cần thiết, mang tính phổ quát như các thiết bị, tiện nghi sinh hoạt hàng ngày trước, nếu còn ngân sách thì mới xem xét đến những thứ phục vụ sở thích, mong muốn cá nhân như tủ rượu, phòng chơi game,…

Hầm rượu
Để kiểm soát chi phí cải tạo không phát sinh quá mức, nên ưu tiên những thứ thực sự cần thiết trước rồi mới đến sở thích cá nhân.

4. Bạn có đang làm việc với đội ngũ uy tín?

Khi lựa chọn kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng hay đơn vị thiết kế nội thất để cải tạo nhà, hãy dành thời gian khảo sát, tìm hiểu để đánh giá uy tín, thương hiệu, phong cách làm việc của họ có phù hợp với mong muốn của bạn hay không. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, không khó để tìm được đánh giá của khách hàng cũ về các đơn vị này. Nếu bạn không thể tìm được thông tin gì hoặc nhận thấy các đơn vị này có biểu hiện làm việc thiếu chuyên nghiệp, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn không nên hợp tác với họ. 

5. Nếu tự sửa nhà, liệu bạn có làm được không?

Để tiết kiệm chi phí, nhiều người quyết định tự cải tạo nhà. Tuy nhiên, Kencel khuyên rằng dù chỉ sơn nhà hay sửa chữa nhỏ, bạn cũng cần đánh giá một cách khách quan, trung thực xem kỹ năng của bản thân mình có đảm đương được hay không. “Nếu không có kinh nghiệm, bạn đừng mạo hiểm với tài sản của mình,” chuyên gia nói.

Tự cải tạo nhà cần nhiều kỹ năng và kinh nghiệm
Nếu định tự sửa nhà, hãy chắc chắn rằng bạn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.

6. Nhà được cải tạo cho ai?

David Tortolini, chuyên gia môi giới ở Virginia, Mỹ khuyên những người chuẩn bị cải tạo nhà cần xác định rõ kế hoạch sửa nhà là cho bản thân sinh sống lâu dài hay sửa để nâng giá trị nhà, chuẩn bị bán lấy lời. Theo Tortolini, nếu sửa nhà làm nơi ở lâu dài cho bản thân, bạn hãy làm những gì khiến mình thấy hài lòng, vui vẻ. Lời khuyên này dường như có chút mâu thuẫn với nội dung của mục 3 phía trên, nhưng theo Tortolini, nhà là nơi chủ nhân cảm thấy thoải mái, hạnh phúc nhất nên hãy cứ làm những gì mình muốn. Dù sau này bạn có bán nhà và không được giá như mong đợi, hãy nghĩ tích cực rằng bạn đã từng có quãng thời gian vui vẻ, tốt đẹp khi sống ở đó, “lãi” được những giá trị vô hình không tiền tài nào so sánh được.

Trong trường hợp cải tạo nhà để bán lại, có thể bạn sẽ phải hy sinh một chút sở thích cá nhân, sửa nhà theo thị hiếu của số đông để dễ bán và kiểm soát thật chặt chẽ chi phí cải tạo để có lãi như mong muốn.

Lan Chi