Trồng cây gì ở giếng trời để nhà xanh mát, giàu sinh khí?

Không chỉ đóng vai trò lấy sáng và thông gió, giếng trời còn là khu vực lý tưởng để bố trí mảng xanh, vừa tô điểm cho ngôi nhà, vừa cải thiện chất lượng không khí. Cùng với sự lên ngôi của xu hướng đưa cây xanh vào nhà, trồng cây gì ở giếng trời cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Cuộc sống bận rộn, nhiều áp lực, lo toan thời hiện đại khiến con người có xu hướng tìm về với thiên nhiên, tìm lại sự bình yên, cân bằng cho tâm hồn. Là một đại diện của yếu tố thiên nhiên, cây xanh từ lâu được coi là người bạn gần gũi của con người, vừa cung cấp nguồn không khí trong lành, vừa bổ sung sức sống cho mọi không gian chúng xuất hiện. Không chỉ góp mặt trong các thiết kế sân vườn, cây xanh ngày nay còn được đưa vào trong nhà, từ các loại cây thân thảo nhỏ bé đến cây thân gỗ cỡ lớn. Trong đó, giếng trời là vị trí phù hợp nhất để trồng cây xanh, bố trí tiểu cảnh vì nơi này nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất trong nhà, cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Một khoảng giếng trời thông thoáng với mảng xanh được thiết kế đẹp mắt sẽ là điểm nhấn tô điểm cho ngôi nhà. Nhiều gia chủ chia sẻ họ luôn cảm thấy thư thái khi nhìn ra khoảng xanh mát mẻ, ngập tràn sinh khí ngay bên trong ngôi nhà của mình.

1. Bố trí cây xanh ở giếng trời như thế nào?

Là nơi phân bố ánh sáng và lưu thông không khí, giếng trời là vị trí thích hợp nhất trong nhà để trồng cây xanh. Đặc biệt, trong thiết kế nhà ống dài, hẹp ngang, bố trí giếng trời giữa nhà với cây xanh, tiểu cảnh sẽ tạo thành một “lõi xanh” cho các không gian chức năng. Cách thiết kế phổ biến nhất là trồng cây theo tầng: một cây cao, thân gỗ làm chủ đạo; các cây bên dưới thấp dần thành tầng trung và tầng thấp, phủ nền để tạo thành mảng xanh mát mắt ở đáy giếng trời. Ngoài ra, dù giếng trời cung cấp ánh sáng và thông gió, môi trường trong nhà vẫn khó khăn hơn cho quá trình sinh trưởng của cây nên cần chọn cây thích nghi tốt với điều kiện trong nhà, dễ chăm sóc, ít rụng lá. 

Trồng cây tại khu vực giếng trời tạo mảng xanh hút mắt cho không gian nhà ở.
Trồng cây tại khu vực giếng trời tạo mảng xanh hút mắt cho không gian nhà ở.

Dưới đây, TinNhaDatVN.Com sẽ gợi ý cho bạn đọc một số loại cây thích hợp nhất để trồng ở giếng trời:

Cây chủ đạo

Trồng cây ở giếng trời luôn cần có một cây chủ đạo. Cây này thường là cây thân gỗ, kích thước lớn nhất, khi phát triển tốt, tán lá sẽ bao trùm đa phần không gian giếng trời. Cây chủ đạo cũng cần thích nghi tốt, sống khỏe để tạo điểm nhìn xanh mát cho các khu vực chức năng xung quanh. Những loại cây dưới đây thường được chọn làm cây chủ đạo trồng ở giếng trời nhà Việt vì đáp ứng các yêu cầu về vẻ đẹp cũng như khả năng thích nghi với môi trường trong nhà.

Cây khế

Cây khế trồng ở giếng trời.
Nhiều người chọn cây khế để trồng ở giếng trời vì cây dễ sống, ít rụng lá, cho hoa và quả đẹp.

Khác với nhiều cây nhiệt đới khác, cây khế không cần nhiều nắng, có thể chịu được bóng râm một phần nên thích hợp trồng trong vườn nhỏ, xen kẽ các cây cao hoặc trồng trong nhà. Một cây khế xinh xắn ở giếng trời đủ để đưa thiên nhiên vào nhà, tạo không gian thân thuộc, gần gũi, gợi nhớ đến những ký ức tuổi thơ của nhiều người. Tán khế xanh tươi quanh năm, ít rụng lá nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc, quét dọn. Khi cây ra hoa, kết quả, những chùm hoa nhỏ xinh màu hồng tím hay chùm quả mọng nước, sai lúc lỉu sẽ mang lại vẻ đẹp bình yên, thân thiện cho giếng trời.

Cây lộc vừng

Cây lộc vừng trồng ở giếng trời biệt thự
Cây lộc vừng xanh tốt soi bóng xuống mặt nước trong thiết kế giếng trời biệt thự. 

Lộc vừng thuộc bộ tứ “sanh, sung, tùng, lộc” – 4 loại cây phong thủy được người Việt yêu thích. Trồng lộc vừng được cho là sẽ đem lại may mắn, tài lộc, hưng thịnh dài lâu cho gia chủ. Cây có thân thẳng, lá dày, hoa màu đỏ, mọc thành từng chuỗi dài, rủ xuống rất đẹp, mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Vào mùa thay lá, lá lộc vừng chuyển màu vàng, đỏ, tạo khung cảnh lãng mạn. Thời gian thay lá cũng rất nhanh, không kéo dài nên gia chủ không tốn nhiều công quét dọn. Nếu trồng ngoài trời, đủ nắng gió, cây dễ dàng ra hoa tự nhiên, số lượng nhiều, thời gian nở kéo dài. Còn nếu trồng trong nhà, gia chủ có thể kích thích 3 tháng trước thời gian mong muốn, ví dụ như dịp Tết để hoa nở đều, đẹp, như ý.  

Cây ngọc lan

Cây ngọc lan có thể sinh trưởng tốt trong môi trường trong nhà.
Cây ngọc lan được yêu thích vì tán đẹp, hoa có mùi thơm dễ chịu.

Được trồng phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, cây ngọc lan có 2 giống thường gặp là ngọc lan hoa trắng và ngọc lan hoa vàng (còn gọi là hoàng lan). Cây có tán lá xanh, dày, đẹp và hương hoa thơm dịu, rất đặc trưng. Cây ngọc lan là biểu tượng cho tấm lòng thơm thảo, nhân từ. Bên cạnh đó, hoa ngọc lan trong phong thủy được cho là mang tới những luồng năng lượng dịu nhẹ, an thần, giảm năng lượng xấu gây cảm giác bất an, sợ hãi. Ngọc lan có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện ngoài trời cũng như trong nhà nên được nhiều người chọn làm cây chủ đạo trồng ở giếng trời. Tuy nhiên, vào mùa nở rộ, hương hoa ngọc lan trở nên khá nồng, có thể gây khó chịu nên không phù hợp trồng trong nhà diện tích nhỏ, kém thông thoáng. Trong trường hợp đã lỡ trồng, không muốn thay thế, bạn có thể cắt bỏ bớt nụ trước khi cây nở hoa.

Cây đào tiên

Trồng cây đào tiên tạo cảnh quan đẹp cho giếng trời
Thiết kế tiểu cảnh giếng trời với cây đào tiên làm cây chủ đạo.

Đào tiên hay còn có tên khác là cây trường sinh thường được trồng để trang trí ở các khu du lịch, nghỉ dưỡng, công trình tâm linh hay làm cảnh trong vườn nhà. Cây có dáng thân đẹp, lá xanh đậm, quả tròn, căng bóng, màu xanh bắt mắt. Trong Đông y, cây đào tiên còn là một cây thuốc quý để chữa nhiều bệnh. Cây khá dễ trồng, không đòi hỏi nhiều ánh nắng, chỉ cần khoảng 3-4 năm là có thể ra quả. Nếu trồng đào tiên ở giếng trời, cần lưu ý chừa lại khoảng trống lớn để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất. 

Cây hoa ban

Cây hoa ban cũng thường được chọn để trồng ở giếng trời
Mang "một thoáng Tây Bắc" vào nhà với cây hoa ban ở góc giếng trời.

Là loại cây đặc trưng cho vùng Tây Bắc, cây hoa ban sống khỏe, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không đòi hỏi sự chăm sóc cầu kỳ  nên có thể trồng trong nhà. Cây xanh quanh năm, hoa màu trắng hoặc hồng tím, nở vào khoảng tháng 3 - tháng 4. Bạn có thể ngồi dưới bóng cây và cảm nhận “một thoáng Tây Bắc” ngay trong nhà mà không phải đi đâu xa.

Với những giếng trời diện tích nhỏ, không phù hợp trồng cây thân gỗ lớn làm cây chủ đạo, gia chủ có thể cân nhắc thay thế bằng một số cây nhỏ hơn như thiết mộc lan, ngũ gia bì, phát tài núi, trúc quân tử,…

Giếng trời trồng cây phát tài núi
Cây phát tài núi phù hợp với mẫu giếng trời diện tích nhỏ.

Cây tầng trung

Cây tầng trung kết nối cây chủ đạo và lớp nền ở giếng trờiCác cây tầng trung như chuối cảnh, cau tiểu trâm, ráng ổ phụng,... kết nối cây chủ đạo và lớp nền ở giếng trời.

Phía dưới cây chủ đạo, bạn hãy bố trí những cây có độ cao vừa phải để làm tầng trung, tạo sự liền mạch cho mảng xanh ở giếng trời. Một số loại cây thích hợp là cau tiểu trâm, đinh lăng, chuối rẻ quạt, bạch mã hoàng tử, ráng ổ phụng,… Bạn có thể cân nhắc trồng một loại cây hoặc phối hợp nhiều loại tùy sở thích. 

Cây tầng thấp

Tạo lớp nền cho đáy giếng trời bằng các loài cây kích thước nhỏ, dễ trồng.
Tạo lớp nền cho đáy giếng trời bằng các loài cây kích thước nhỏ như trầu bà, hồng môn, lan ý,...

Ở tầng dưới cùng, bạn có thể tạo lớp nền cho đáy giếng trời bằng các loài cây kích thước nhỏ, dễ trồng, nhanh phát triển như cây thuộc họ trầu, lan tim, sen đá, hồng môn, lan ý, nhền nhện,… Để giếng trời thêm sinh động, nên kết hợp cây xanh với tiểu cảnh, sỏi đá, phụ kiện phù hợp theo sở thích và khả năng sáng tạo của bạn.

2. Cách chăm sóc cây trồng ở giếng trời

Dưới điều kiện ánh sáng trực tiếp và thông gió tốt ở khu vực giếng trời, cây trồng trong nhà ngày nay cũng không có quá nhiều khác biệt với cây trồng ngoài trời. Gia chủ chỉ cần lưu ý tưới nước với lượng và tần suất phù hợp với đặc điểm của từng cây. Có thể kiểm tra độ ẩm của đất bằng cách dùng que ghim sâu xuống đất rồi rút lên và cảm nhận độ ẩm. Mỗi 3-4 tháng, gia chủ nên bón phân hữu cơ để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Ngoài ra, cần chú ý cắt tỉa bớt lá, cành thường xuyên, tránh để tán cây quá sum suê, rậm rạp sẽ thu hút nhiều côn trùng vào nhà hoặc rụng lá nhiều, tốn công quét dọn.

Bên cạnh đó, trước khi quyết định trồng cây trong nhà, gia chủ nên tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng xem mình có thực sự yêu thích và có thời gian, kỹ năng chăm sóc cây hay không. Tránh trường hợp nhiều gia chủ chạy theo xu hướng, ý thích nhất thời mà thiết kế tiểu cảnh giếng trời, trồng nhiều cây xanh rồi bỏ bê không chăm sóc, để cây rụng lá, héo úa, tốn kém chi phí thay mới. Có gia chủ từng đầu tư cả trăm triệu để thiết kế tiểu cảnh, cây xanh ở giếng trời nhưng vì bận rộn, thiếu thời gian cũng như kỹ năng nên phải thuê người chăm sóc, sau cùng phải chấp nhận dẹp bỏ, rất lãng phí và tốn công.

Lan Chi (T.H)