Bên cạnh những tiện ích mà chung cư mang lại, nhiều người thừa nhận cuộc sống ở chung cư cũng tồn tại những bất cập như sự riêng tư bị hạn chế, không gian sinh hoạt nhỏ, khó tránh khỏi tiếng ồn từ các hộ xung quanh. Chính vì vậy, cách âm cho căn hộ chung cư là nhu cầu của nhiều gia đình hiện nay. Trong bài viết này, TinNhaDatVN.Com sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu nguyên lý hạn chế tiếng ồn và các giải pháp cách âm cho căn hộ chung cư hiệu quả, giúp hạn chế tiếng ồn.
1. Phân loại tiếng ồn và tìm hiểu các nguyên lý cách âm
Phân loại tiếng ồn
Ở môi trường chung cư, tiếng ồn thường được chia làm hai loại: loại truyền trong không gian (không khí) và truyền qua kết cấu (truyền qua vật thể). Các âm thanh như tiếng người trò chuyện, tiếng nhạc cụ, tiếng loa,… là loại truyền trong không gian. Còn tiếng bước chân, tiếng gõ cửa, tiếng xê dịch đồ đạc,… là loại âm thanh truyền trong kết cấu.
Tiếng ồn là vấn đề làm đau đầu nhiều cư dân sống ở chung cư.
Ví dụ, nếu nhà bạn ở tầng dưới, tầng trên có người đang chơi bóng, bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn giống như đang đứng trên cùng một mặt sàn. Đây chính là tiếng ồn là do âm thanh truyền qua kết cấu. Có nhiều người cho rằng tăng độ dày của kết cấu sẽ hạn chế được tiếng ồn nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Tiếng ồn truyền qua một kết cấu đặc còn dễ dàng hơn so với truyền qua không khí.
Các nguyên lý hạn chế tiếng ồn
Để hạn chế tiếng ồn, có hai nguyên lý cơ bản là tiêu âm và cách âm, phù hợp với từng loiaj tiếng ồn khác nhau. Cụ thể: Đây là hai nguyên lý ứng dụng cho từng loại tiếng ồn khác nhau, như tiếng động sinh hoạt trong nhà, tiếng ồn từ nhà bên cạnh hoặc tiếng ồn tự nhiên bên ngoài (tiếng xe, tiếng bước chân, tiếng nhạc, tiếng công trường thi công…).
- Tiêu âm là làm khuếch tán sóng âm, từ đó hạn chế tiếng vang, triệt tiêu một phần âm thanh. Tiêu âm là giải pháp phù hợp để hạn chế tiếng ồn do sinh hoạt trong nhà gây ra.
- Cách âm là biện pháp cách ly khu vực trong nhà với tiếng ồn từ bên ngoài như tiếng loa đài bên nhà hàng xóm, tiếng đục tường, tiếng công trường thi công lân cận,… Cách âm đồng thời cũng ngăn không cho âm thanh trong nhà thoát ra bên ngoài.
Nếu so sánh hai nguyên lý trên, cách âm là biện pháp khó thực hiện hơn nhưng cũng hiệu quả hơn tiêu âm.
2. Các giải pháp cách âm cho căn hộ chung cư
Để cách âm hiệu quả cho căn hộ chung cư, cần có giải pháp cách âm đồng bộ cho các bộ phận trần, tường, cửa, sàn nhà mới đảm bảo hạn chế được tiếng ồn, trả lại không gian yên tĩnh, trật tự để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ lao động, học tập căng thẳng.
Cách âm cho trần nhà
Nhà chung cư thường bị ảnh hưởng do tiếng ồn vọng xuống từ tầng trên. Vì vậy, cách âm cho trần nhà là giải pháp cần thiết cho vấn đề tiếng ồn chung cư. Phương pháp cách âm cho trần được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là dùng trần thạch cao.
Trần thạch cao vừa có tác dụng cách âm, vừa tăng tính thẩm mỹ của căn hộ.
Thạch cao là loại khoáng vật trầm tích mềm với thành phần chính gồm muối canxi sulfat ngậm hai phân tử nước. Thạch cao có dạng tấm, dạng cục và dạng bột, trong đó thạch cao dạng tấm thường được dùng để cách âm trần nhà. Khi thi công trần, nên chừa lại một khoảng không giữa trần thạch cao và trần nhà gốc để hạn chế âm thanh truyền qua kết cấu. Ngoài tác dụng cách âm, màu trắng nguyên bản của thạch cao cũng góp phần tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả cách câm cho căn hộ, nhiều gia đình sử dụng kết hợp tấm thạch cao với một vật liệu cách âm khác như bông thủy tinh, bông khoáng.
Cách âm cho tường nhà
Tương tự như với các phòng karaoke, biện pháp tối ưu để cách âm cho tường căn hộ là sử dụng các vật liệu thạch cao, gạch vữa, gỗ đặc,… với bề dày trên 20cm. Bề mặt tường nên làm gồ ghề để tiêu âm, giảm tiếng vang. Có thể dùng vôi vữa tạo hình, sử dụng lớp nhung hoặc đặt vật thể lên tường để hạn chế sự truyền âm.
Tường được ốp vật liệu cách âm, bề mặt gồ ghề giúp tiêu âm, giảm tiếng vang.
Ngoài việc bọc vật liệu cách âm, có thể xây tường hai lớp, ở giữa là lớp không khí để cách âm. Nên dùng loại gạch lỗ rỗng vì gạch đặc sẽ truyền âm qua kết cấu tốt hơn. Với những bức tường liền kề với phía phát ra nguồn âm thanh, nên kê tủ, kệ, giá sách để giảm sự truyền âm.
Cách âm cho cửa
Hệ thống cửa chính, cửa sổ, cửa ban công cũng là nơi không thể bỏ qua nếu muốn cách âm hiệu quả cho căn hộ chung cư. Cách phổ biến nhất chính là “trát” mọi khe hở để ngăn không cho âm thanh bên ngoài lọt vào, sử dụng các vật liệu như xốp, dải cao su hoặc bơm silicon để làm kín các khe hở.
Trên thị trường hiện nay, có nhiều sản phẩm cửa kính có tính năng cách âm, chống ồn nhờ ghép 2 hay nhiều lớp kính lại với nhau, ở giữa ngăn cách bằng thanh đệm nhôm, bên trong chứa các hạt hút ẩm. Các hạt hút ẩm này có tác dụng hút lớp không khí bên trong, tạo thành một lớp chân không, ngăn cản sự truyền âm cũng như truyền nhiệt. Loại cửa cách âm được sử dụng phổ biến cho căn hộ chung cư hiện nay là cửa nhựa lõi thép UPVC, có thể giảm độ truyền thanh lên tới 33dB. Ví dụ, âm thanh đường phố có độ truyền âm là 85dB, nếu dùng cửa UPVC thì âm thanh có thể giảm xuống còn 52dB, tương đương với tiếng người nói chuyện bình thường.
Cửa kính cách âm gồm 2 hay nhiều lớp kính, ngăn cách nhau bằng khoảng chân không để hạn chế sự truyền âm.
Ngoài ra, có thể thiết kế một khoảng đệm ngay trước cửa phòng, ví dụ như không gian tiền phòng làm nơi thư giãn, treo áo khoác,… Khoảng đệm này rất có tác dụng trong việc hạn chế sự truyền âm.
Cách âm cho sàn
Do đặc điểm căn hộ chung cư thường có bộ khung liền hoặc khớp nhau, tiếng động từ nhà bên cạnh sẽ dễ dàng truyền theo kết cấu đến nhà bạn. Vì vậy, để cách âm cho sàn nhà chung cư, các chuyên gia khuyên dùng các vật liệu dày, tiêu âm tốt như gỗ đặc, nhựa, tấm thảm lót dày,... Âm thanh khi truyền qua sẽ được hấp thụ bớt ở các lớp này.
Sử dụng thảm trải sàn loại dày cũng là một giải pháp đơn giản, ít tốn kém, góp phần hạn chế tiếng ồn.
Dưới đây là quy trình cách âm hiệu quả cho sàn căn hộ chung cư để bạn đọc tham khảo:
- Chuẩn bị vật liệu: cao su non, xốp XPS, gỗ dán, vải (lớp lưới), thảm tiêu âm.
- Tiến hành:
- Bước 1: Sau khi xử lý bề mặt sàn nhà, trải một lớp xốp XPS dày 25mm, 50mm,… tùy theo công trình.
- Bước 2: Phủ một lớp ngăn cách (nhựa, vải, lớp lưới), sau đó phủ tiếp một lớp bê tông mỏng
- Bước 3: Phủ một lớp cao su non dày từ 10 – 30mm
- Bước 4: Phủ một lớp gỗ dán loại tốt, dày từ 12 – 18mm lên, sau đó cố định xuống dưới sàn bê tông bằng hệ khung xương gỗ hoặc vít liên kết.
Lan Chi (T.H)