Những chiếc thang máy từ lâu đã trở nên thân thuộc, cần thiết với cuộc sống của con người, giúp việc di chuyển lên xuống trong các công trình cao tầng trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Thang máy là thiết bị không thể thiếu ở các công sở, trung tâm thương mại, khách sạn, chung cư cao tầng,… Còn trong các công trình nhà riêng, trước đây, thang máy thường được coi là tiện nghi xa xỉ, chỉ giới nhà giàu xây biệt thự lộng lẫy, nguy nga mới trang bị. Tuy nhiên, với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội hiện nay, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống khiến ngày càng nhiều hộ gia đình dù không quá đông người, sở hữu những ngôi nhà phố 3-4 tầng thông thường cũng muốn lắp thang máy trong nhà. Mặc dù vậy, chi phí cao cũng như vấn đề bảo dưỡng, an toàn là những nỗi băn khoăn khiến nhiều người chần chừ chưa quyết định. Vậy có nên lắp thang máy gia đình hay không? Cùng TinNhaDatVN.Com phân tích vấn đề này trong bài viết dưới đây để có câu trả lời cho chính mình nhé!
Thang máy gia đình mang lại những lợi ích gì?
Thuận tiện di chuyển
So với thang bộ thông thường, di chuyển bằng thang máy trong những ngôi nhà nhiều tầng rõ ràng sẽ dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm sức lực hơn. Nhờ thang máy, việc mang vác, di chuyển đồ vật cồng kềnh giữa các tầng không còn khó khăn, hạn chế nguy cơ trượt, ngã trên thang bộ do đồ vật nặng, che khuất tầm nhìn. Đặc biệt, người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp, tim mạch, nếu phải leo thang bộ lên tầng cao sẽ rất tốn sức lực, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thang máy gia đình sẽ giúp khắc phục vấn đề này, để sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi được thoải mái hơn, đảm bảo sức khỏe và an toàn. Với gia đình có trẻ nhỏ, các bé mải nô đùa, chạy nhảy ở cầu thang sẽ rất dễ bị ngã, va đập, chấn thương. Lắp đặt thang máy cũng là một cách hạn chế các rủi ro này.
Thang máy giúp việc di chuyển cũng như mang vác đồ vật cồng kềnh giữa các tầng không còn khó khăn, hạn chế nguy cơ trượt, ngã.
Sử dụng hiệu quả các tầng cao
Ở nước ta, đặc biệt là các đô thị lớn, do mật độ dân số đông, diện tích đất ở hạn hẹp nên loại hình nhà ống hẹp ngang rất phổ biến. Gia chủ phải xây cao tầng mới đảm bảo nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, những tầng trên cùng thường chỉ để làm phòng thờ, kho chứa đồ, ít được sử dụng nên dễ bị bụi bặm, khá lãng phí. Nếu có thang máy, giá trị sử dụng của các tầng là như nhau, có thể bố trí các công năng phù hợp hơn để tận dụng hết không gian. Ví dụ, có thể đưa phòng của người già, em bé lên các tầng trên cao để được yên tĩnh, thoáng mát hơn, tách biệt với không gian sinh hoạt chung thường ồn ào, đông người ở các tầng dưới.
Tăng giá trị cho ngôi nhà
Sự xuất hiện của thang máy sẽ khiến ngôi nhà trở nên tiện nghi, xa hoa, đẳng cấp hơn rất nhiều so với những ngôi nhà tương đồng về diện tích, thiết kế nhưng chỉ có cầu thang bộ thông thường. Thiết kế thang máy hiện đại, hài hòa với phong cách của ngôi nhà giúp nâng cao tính thẩm mỹ, gây ấn tượng với những vị khách ghé thăm.
Hợp phong thủy
Nhiều gia chủ tin rằng giếng thang máy đóng vai trò như một giếng trời, là tuyến huyết mạch lưu thông không khí cho toàn bộ ngôi nhà. Khi di chuyển lên xuống, thang máy sẽ tạo lực giúp các luồng không khí dao động, sinh vượng khí tốt cho toàn bộ ngôi nhà, thu hút tài lộc cho gia chủ.
Nhiều người tin rằng thang máy giúp cải thiện phong thủy của ngôi nhà, sinh vượng khí tốt, thu hút tài lộc.
Với những lợi ích kể trên, có lẽ rất nhiều người mong muốn ngôi nhà của mình sở hữu một chiếc thang máy. Tuy nhiên, các gia chủ thường băn khoăn các vấn đề như: Chi phí lắp thang máy có đắt không? Nhà có đủ rộng để thiết kế thang máy? Bảo dưỡng thế nào để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng?
Trước đây, việc sử dụng thang máy trong gia đình chưa thực sự phổ biến, các mẫu thiết kế, chủng loại thang máy cũng không đa dạng. Một ngôi nhà muốn lắp thang máy thì phải có không gian rộng rãi mới không gây cản trở trong việc đi lại và sinh hoạt chung trong gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường thang máy gia đình đã phát triển với nhiều mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ cần dành ra một khoảng diện tích từ 2.5 - 3m2 là đủ để lắp đặt thang máy trong nhà. Trên thị trường hiện nay còn có loại thang máy nhỏ với kích thước khoảng 1300mm x 1100mm để di chuyển 1-2 người mỗi lần, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong gia đình.
Về vấn đề chi phí, trước kia, thang máy gia đình ở nước ta thường là loại thang máy nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài nên có giá thành khá cao, không phù hợp với ngân sách của đa số hộ gia đình nên ít được sử dụng. Thang máy hầu như chỉ phù hợp với những căn biệt thự rộng lớn hoặc tòa chung cư nhiều tầng. Những năm gần đây, sự xuất hiện của thang máy gia đình liên doanh khiến vấn đề chi phí trở nên nhẹ nhàng hơn khá nhiều. Với số tiền chỉ từ 280 – 500 triệu đồng, bạn đã có thể sở hữu một chiếc thang máy phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình mình.
Như vậy, nếu đảm bảo các điều kiện về diện tích, kinh tế, các gia chủ hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc lắp thang máy trong nhà để cuộc sống của gia đình mình thêm tiện ích, thoải mái.
Chọn thang máy gia đình như thế nào cho phù hợp?
Với băn khoăn nhà mấy tầng thì nên lắp thang máy, trên thực tế, không có công thức chuẩn áp dụng cho tất cả mọi công trình, mọi hộ gia đình. Việc lắp đặt thang máy loại nào, trọng lượng bao nhiêu cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực tế của các thành viên trong gia đình. Nếu gia chủ có nhu cầu sử dụng nhiều, cả di chuyển hàng ngày lẫn vận chuyển đồ đạc, hàng hóa lên xuống nhiều thì dù là nhà 2 tầng cũng nên lắp đặt thang máy. Ví dụ như trường hợp ở shophouse, gia chủ thường tận dụng 1 - 2 phòng của tầng 2 làm kho chứa hàng hóa nên có nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa rất thường xuyên. Có thang máy sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.
Với loại hình nhà ở thông thường, có từ 3 tầng trở lên là gia chủ có thể cân nhắc lắp đặt thang máy. Số thành viên và nhu cầu đi lại của gia đình càng lớn thì cần thang máy có trọng tải càng cao. Cụ thể:
- Gia đình có 3 - 4 người nên lắp đặt thang máy trọng tải 250 - 300kg.
- Gia đình có 5 - 7 người nên lắp đặt thang máy trọng tải 350 - 500kg.
Với các công trình từ 5 tầng trở lên, lắp đặt thang máy là điều thực sự cần thiết để phát huy tối đa công năng của các tầng cao. Nếu chỉ có thang bộ, việc di chuyển lên tầng 5, sân thượng của ngôi nhà mỗi ngày luôn cũng là một “công cuộc” đòi hỏi không ít công sức với các thành viên trong nhà, đặc biệt là người cao tuổi, sức khỏe yếu.
Lắp thang máy gia đình cần lưu ý những gì?
Nếu bạn đã quyết tâm lắp đặt thang máy cho ngôi nhà của mình, đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây để chọn được sản phẩm thang máy tốt, có công năng và thiết kế phù hợp nhất với nhu cầu của gia đình:
Kích thước và tải trọng thang máy
Diện tích lắp đặt thang máy tác động trực tiếp đến thiết kế tổng thể của ngôi nhà. Hiện nay, các dòng thang máy thế hệ mới không chiếm dụng nhiều diện tích nên việc bố trí thang máy trong nhà trở nên dễ hơn nhiều. Bên cạnh đó, tải trọng thang máy là yếu tố quyết định đến giá trị sử dụng của thang máy về lâu dài, do đó, gia chủ cần đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng của gia đình để chọn được thang máy phù hợp. Nên tính toán đến sự thay đổi về nhu cầu sử dụng trong tương lai, ví dụ như trong 5-10 năm tới, số thành viên trong gia đình sẽ biến động như thế nào, tăng hay giảm để lựa chọn tải trọng phù hợp, kéo dài giá trị sử dụng của thang máy.
Cần đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng của gia đình để chọn được thang máy có tải trọng phù hợp trong nhiều năm.
Vị trí lắp đặt
Thông thường, thang máy được lắp đặt ở các vị trí như cạnh cầu thang bộ, giữa cầu thang bộ ở giữa nhà hoặc ở một góc nhà. Vị trí lắp lắp thang máy phải thuận tiện cho tất cả các thành viên trong nhà để việc di chuyển từ thang máy ra vào các phòng, các tầng đều dễ dàng, hợp lý.
Hãng sản xuất thang máy
Các thương hiệu thang máy có uy tín lâu năm cung cấp sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Các sản phẩm được đánh giá, kiểm định và nâng cấp thường xuyên sau nhiều năm phát triển nên người tiêu dùng có thể yên tâm về độ uy tín, an toàn. Bên cạnh đó, các dịch vụ sau lắp đặt của các thương hiệu danh tiếng thường được đánh giá hơn so với các thương hiệu mới phát triển.
Chi phí
Lắp đặt thang máy trong gia đình sẽ phát sinh các chi phí sau:
- Chi phí mua và lắp đặt: Các dòng thang máy nhập khẩu nguyên chiếc thường có giá cao hơn so với các dòng thang máy liên doanh. Giá thành thấp nhất là thang máy nội địa. Dòng thang máy cao cấp có trang bị và nội thất tốt hơn nên chi phí mua, lắp đặt khá cao. Trong khi đó, các dòng thang máy giá rẻ phù hợp với ngân sách của nhiều gia đình hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ bản. Bạn có thể cân nhắc điều kiện kinh tế của mình để lựa chọn chiếc thang máy phù hợp.
- Chi phí điện năng vận hành thang máy: Loại thang máy dùng cho gia đình sử dụng máy kéo công suất thấp, ngoài ra thang còn được lập trình thông minh để tự động ngắt sau một khoảng thời gian nhất định nếu không có người sử dụng. Tần suất sử dụng thang máy gia đình cũng không quá nhiều, chỉ khoảng 30-40 lần/ngày. Do vậy, chi phí điện năng cho thang máy không phải là một gánh nặng quá sức với ngân sách chi tiêu trong gia đình. Theo một khảo sát thực hiện với 50 hộ gia đình sử dụng thang máy ở TP.HCM, chi phí điện năng cho thang máy vào khoảng 300.000-400.000 đồng/tháng.
- Chi phí bảo trì: Là thiết bị đặc thù và yêu cầu rất cao về tính an toàn, ổn định khi vận hành nên thang máy cần bảo trì định kỳ để đảm bảo an toàn. Trong thời gian bảo hành, việc bảo trì hàng tháng là trách nhiệm của đơn vị cung cấp, người sử dụng không phải trả phí. Khi hết thời gian bảo hành, người sử dụng nên ký hợp đồng bảo trì định kỳ với đơn vị cung cấp thang máy để đảm bảo thang được bảo trì thường xuyên, đúng lịch. Hợp đồng bảo trì thường được chia thành nhiều gói: hàng tháng, 2 tháng/lần, 3 tháng/lần. Trong những năm đầu sử dụng, thang còn mới, ít hỏng hóc nên gia chủ có thể chọn gói 3 tháng/lần để tiết kiệm chi phí.
Thang máy cần được bảo trì, kiểm định thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
- Chi phí kiểm định: Thang máy nói chung hay thang máy gia đình nói riêng đều cần được kiểm định an toàn thường xuyên. Theo quy định, các thang máy có thời gian sử dụng dưới 20 năm thì thời hạn kiểm định là 3 năm/lần. Từ 20 năm trở lên, cần kiểm định thang máy mỗi năm một lần. Thông thường, chi phí kiểm định lần đầu tiên sẽ do nhà cung cấp thang máy chi trả. Từ các lần sau, người sử dụng phải có trách nhiệm thanh toán cho cơ quan kiểm định theo thời giá. Chi phí kiểm định cho một bộ thang máy gia đình (thường có chiều cao dưới 10 tầng) là 2 triệu đồng/lần cho thời hạn 3 năm.
- Chi phí thay thế thiết bị: Nếu sử dụng các thiết bị chính hãng, thang máy mini dùng cho gia đình rất ít hỏng vặt nên trong khoảng 7-8 năm đầu, việc thay thế thiết bị rất ít xảy ra, có chăng chỉ cần thay đèn chiếu sáng cho cabin. Khoảng 10 năm sử dụng, thiết bị có thể hao mòn, hư hỏng nên cần thay thế kịp thời để đảm bảo an toàn.
Trên đây là những phân tích chi tiết, thực tế liên quan đến vấn đề lắp đặt thang máy trong gia đình hiện nay. TinNhaDatVN.Com hi vọng qua bài viết này, những ai đang băn khoăn có nên lắp thang máy gia đình hay không sẽ sớm có quyết định sáng suốt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của gia đình mình.
Lan Chi (T.H)