Khiếu nại đất đai: Ai có quyền và làm sao để được thụ lý giải quyết?

Khiếu nại đất đai là một trong những hiện tượng phổ biến trong đời sống thường nhật, xuất phát từ các xung đột về quyền và lợi ích liên quan đến việc sở hữu và sử dụng đất đai. Vậy ai có quyền khiếu nại đất đai, đối tượng của khiếu nại đất đai là gì và phải làm sao để hồ sơ khiếu nại đất đai được thụ lý giải quyết?

1. Tổng quan về khiếu nại đất đai

Định nghĩa khiếu nại đất đai

Khiếu nại đất đai là việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định/hành vi hành chính của họ khi có căn cứ cho rằng quyết định/hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Nói cách khác, khiếu nại đất đai là khiếu nại đối với các quy định, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Hình thức khiếu nại đất đai

- Đơn khiếu nại (nội dung đầy đủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011)

- Khiếu nại trực tiếp.

2. Ai có quyền khiếu nại đất đai?

Theo quy định của pháp luật, người khiếu nại đất đai bao gồm:

- Người sử dụng đất

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất (người được tặng, cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất).

Trong trường hợp người khiếu nại không thể thực hiện được việc khiếu nại thì có thể ủy quyền cho người khác. Cụ thể:

- Nếu người khiếu nại chưa đủ tuổi vị thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì có thể thực hiện việc khiếu nại đất đai thông qua người đại diện theo pháp luật của họ.

- Nếu người khiếu nại vì lý do sức khỏe (ốm đau, già yếu...) mà không thể tự thực hiện khiếu nại đất đai thì có thể ủy quyền cho cha mẹ/ vợ chồng/ anh chị em ruột/ con đã thành niên hoặc người khác (có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) thực hiện việc khiếu nại. 

3. Đối tượng của khiếu nại đất đai

Trong lĩnh vực đất đai, đối tượng được hướng đến trong các trường hợp khiếu nại chính là các quyết định/hành vi hành chính về quản lý và sử dụng đất đai. Hành vi hành chính về lĩnh vực đất đai này xuất phát từ các cá nhân có thẩm quyền khi giải quyết các công việc về quản lý đất đai như chậm thực hiện, thực hiện không đúng, gây khó khăn cho người sử dụng đất khi thực hiện các thủ tục hành chính...

Ví dụ, gia đình anh A có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, nhưng vẫn bị thu hồi dù không thuộc các trường hợp bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật, thì gia đình anh A có quyền khiếu nại đất đai. Ngoài ra, còn 1 số trường hợp khiếu nại đất đai khác có thể kể đến như: Khiếu nại quyết định giao/cho thuê đất hay quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định thu hồi/trưng dụng/hỗ trợ bồi thường/giải phóng mặt bằng đất, hỗ trợ tái định cư...

người dân đang chờ giải quyết khiếu nại đất đaiĐối tượng khiếu nại đất đai là các quyết định/hành vi hành chính liên quan đến đất đai. Ảnh minh họa: Internet

4. Điều kiện để thực hiện khiếu nại đất đai

Có 4 điều kiện mà người sử dụng đất cần đáp ứng để có thể thực hiện việc khiếu nại đất đai, cụ thể:

- Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tức là phải thuộc nhóm đối tượng đã nêu ở mục 2 "2. Ai có quyền khiếu nại?".

- Đối tượng khiếu nại (quyết định/hành vi hành chính) xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp được pháp luật thừa nhận và có căn cứ cụ

thể

- Vấn đề khiếu nại chưa được khởi kiện ra tòa án và chưa được tòa án thụ lý giải quyết

- Đáp ứng thời hiệu, thời hạn khiếu nại theo quy định của pháp luật

- Đối với việc thực hiện khiếu nại lần 2 thì cần phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của cơ quan có thẩm quyền.

5. Thời hiệu và thời hạn giải quyết khiếu nại đất đai
 

Thời hiệu khiếu nại đất đai

Căn cứ Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 thì thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định/hành vi hành chính. Ngoại lệ, vẫn có 1 số trường hợp được thực hiện khiếu nại dù đã quá 90 ngày nếu người khiếu nại rơi vào các hoàn cảnh đặc biệt như ốm đau, thiên tai, chiến tranh, đi học tập và công tác ở nơi xa...

Thời hạn giải quyết khiếu nại đất đai

- Trường hợp khiếu nại lần đầu: Không quá 30 ngày. Tăng thêm 15 ngày đối với khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa hoặc với những vụ việc khiếu nại phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian xem xét và giải quyết.

- Trường hợp khiếu nại lần 2: Không quá 45 ngày. Tăng thêm 15 ngày đối với khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa hoặc với những vụ việc khiếu nại phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian xem xét và giải quyết.

6. Quy trình giải quyết khiếu nại

- Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền để được tiếp nhận và thụ lý (nếu hợp lệ). Cơ quan có thẩm quyền phải thông báo về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn. Nếu không thụ lý phải giải thích rõ lý do cho người khiếu nại biết.

- Sau khi thụ lý, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh nội dung đơn khiếu nại. Nếu nội dung khiếu nại đúng (khớp với thực tế xác minh) sẽ tiến hành giải quyết ngay. Ngược lại nếu sai, phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại để làm rõ. 

- Trường hợp tổ chức đối thoại làm rõ, phải lập thành biên bản. Căn cứ vào kết quả xác minh, kết quả đối thoại, cơ quan có thẩm quyèn sẽ đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại.

- Không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và các cơ quan khác. Sau khi nhận được quyết định này mà người khiếu nại vẫn không đồng ý thì có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. 

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm khiếu nại đất đai, đối tượng của khiếu nại đất đai cũng như quy trình, thủ tục xử lý các đơn thư khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng đất. Cùng với các bài viết khác trên Batongsan.com.vn về giải quyết tranh chấp đất đai, thu hồi đất, hy vọng bạn đọc sẽ có được những thông tin hữu ích khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực đất đai. 

Linh Phương (TH)