(Anh Linh, TP.HCM)
Anh Linh cho biết thêm tài sản chung của bố mẹ gồm 1 mảnh đất diện tích 100m2; 1 căn nhà 3 tầng trên đất và 300 triệu đồng tiền tiết kiệm.
Thắc mắc của anh Linh được Luật sư Giáp Văn Đức - Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:
1. Quyền thừa kế nhà đất của con riêng
Do khi mất không để lại di chúc nên việc chia di sản thừa kế (ở đây là khối tài sản riêng của bố anh Linh) sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;...”.
Như vậy, nếu người con riêng chứng minh được mình có quan hệ huyết thống với bố anh Linh thì người này có quyền được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người con riêng này chưa xác định quan hệ cha - con với bố anh Linh thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định quan hệ cha - con bằng việc cung cấp các văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha - con. Trường hợp không có văn bản quy định trên thì phải có thư từ, phim ảnh, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha - con, văn bản cam đoan của người mẹ rằng đó là con chung của hai người và có ít nhất 2 người thân thích của mẹ làm chứng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về “con riêng”. Tuy nhiên, theo Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì con riêng của vợ hoặc chồng cũng là thành viên gia đình.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 79 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Luật này. Do vậy có thể hiểu con riêng của vợ hoặc chồng là con được sinh ra khi người vợ hoặc chồng đã kết hôn hợp pháp mà chung sống như vợ chồng với người khác dẫn đến có con với người này. Con riêng có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật.
Vấn đề con chung, con riêng là căn nguyên gây nhiều tranh chấp khi phân chia tài sản. Ảnh minh họa: Internet
2. Con chung có được thừa kế tài sản nhiều hơn con riêng không?
Anh Linh chia sẻ tài sản chung của bố mẹ là 1 mảnh đất 100m2; 1 căn nhà 3 tầng trên đất và 300 triệu đồng tiền tiết kiệm. Việc đầu tiên cần làm đó là xác định khối tài sản riêng của bố anh Linh trong khối tài sản chung cùng với mẹ nói trên.
Trong trường hợp bố mẹ anh Linh không phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì khối tài sản riêng của người bố được xác định theo pháp luật. Cụ thể, quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu rõ: “Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”.
Như vậy, di sản thừa kế của bố anh Linh được xác định là: ½ quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích 100 m2; ½ căn nhà 3 tầng trên đất và 150 triệu đồng tiền tiết kiệm.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”. Có nghĩa, con đẻ hay con riêng đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì sẽ được hưởng phần di sản thừa kế như nhau. Vì vậy, những người được hưởng di sản thừa kế của bố anh Linh bao gồm: mẹ anh Linh, 3 anh/chị/em anh Linh và người con riêng. 5 người này sẽ được hưởng 5 phần thừa kế bằng nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế khi phân chia di sản thừa kế thì pháp luật còn tính đến công chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản cũng như công tôn tạo, quản lý di sản thừa kế đó. Vì vậy, sẽ có trường hợp con chung và con riêng được hưởng di sản thừa kế không bằng nhau.
Cụ thể:
- Nếu con chung có công chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản và công tôn tạo, quản lý di sản thừa kế thì con chung sẽ được hưởng phần di sản nhiều hơn.
- Nếu con riêng có công chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản và công tôn tạo, quản lý di sản thừa kế thì con riêng sẽ được hưởng phần di sản nhiều hơn.
Khi các bên phát sinh tranh chấp mà không thể thỏa thuận được và được tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết thì các đương sự có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu của mình khi yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 91 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015).
Như vậy, việc con riêng hay con chung được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nhiều/ít hơn người còn lại còn phụ thuộc vào công sức quản lý, tôn tạo di sản và chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản; cũng như cung cấp các tài liệu, chứng cứ cho tòa án để chứng minh cho yêu cầu được phần hơn của mình là có căn cứ.
Luật sư Giáp Văn Đức - Luật TGS