1. Ông bà Bích được quyền đòi lại nhà, đất đã tặng cho con trong 2 trường hợp
Theo luật sư Giáp Văn Đức - Công ty Luật TNHH TGS, mặc dù nhà đất đã được cho tặng và sang tên cho người con trai nhưng ông bà Bích vẫn có quyền đòi lại nếu rơi vào 1 trong 2 trường hợp ngoại lệ như sau:
Trường hợp 1: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa ông bà Bích và con trai thỏa mãn 2 yêu cầu
- Là hợp đồng tặng cho có điều kiện
- Điều kiện trong hợp đồng là con trai phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc cha, mẹ
Khi đó, áp dụng Khoản 3 Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng tặng cho có điều kiện, ông bà Bích có thể đòi lại quyền sử dụng đất từ con trai do anh này không thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận rõ trong hợp đồng.
Mặt khác, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định về nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ của con cái. Cụ thể, Khoản 2 Điều 71 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
Vì vậy, căn cứ vào tình trạng mâu thuẫn trong gia đình, ông bà Bích cần xem xét con trai mình trên thực tế có vi phạm nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ hay không, trong trường hợp có vi phạm thì ông bà có quyền đòi lại nhà đất đã tặng cho anh này trước đó.
Cha mẹ có quyền đòi lại đất đã tặng cho con hay không? Ảnh minh họa: Internet
Trường hợp 2: Ông bà Bích chứng minh được hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa mình và con trai là hợp đồng dân sự vô hiệu
Khi chứng minh được hợp đồng dân sự vô hiệu, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Lưu ý, để một giao dịch dân sự có hiệu lực theo quy định của pháp luật thì giao dịch đó phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015, ví dụ như chủ thể có năng lực pháp luật/hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, các bên tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện...
Tóm lại, nếu muốn đòi nhà đất đã tặng cho con trai thì ông bà Bích có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu lấy lại tài sản tại Tòa án nhân dân nơi có nhà đất đó. Lúc này, ông bà Bích cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu để chứng minh hợp đồng tặng cho giữa mình với con trai là hợp đồng tặng cho có điều kiện hoặc là hợp đồng dân sự vô hiệu.
Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện, phải chứng minh được việc con trai của ông bà đã vi phạm nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ. Trường hợp hợp đồng không ghi rõ về nghĩa vụ của con trai, thì cần các bằng chứng khác chứng minh nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ là điều kiện của hợp đồng tặng cho.
Đối với hợp đồng dân sự vô hiệu, phải chứng minh được hợp đồng đó không thỏa mãn được các điều kiện quy định tại Điều 117 BLDS 2015. Sau khi ông bà Bích đòi lại đất từ con trai, quyền sử dụng đất này thuộc quyền sở hữu của ông bà. Do đó, ông bà có thể chuyển quyền sử dụng căn nhà này cho 2 người con gái như mong muốn.
2. Cha mẹ làm gì để phòng ngừa rủi ro con cháu thay lòng sau khi được cho nhà, đất
Nếu hợp đồng tặng cho nhà đất không ghi rõ nghĩa vụ chăm sóc của con cái thì cha mẹ có thể sử dụng quyền hưởng dụng để tránh gặp phải tình huống trớ trêu trên. Đây là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định (theo Điều 257 Bộ Luật dân sự 2015).
Bằng cách này, cha mẹ vẫn lập hợp đồng tặng cho và sang tên sổ đỏ nhà đất cho con, nhưng trong hợp đồng sẽ có điều khoản nêu rõ việc cha mẹ được giữ lại quyền hưởng dụng nhà đất đó tới cuối đời. Đồng nghĩa với việc, con cái dù là chủ sở hữu miếng đất nhưng cha mẹ vẫn giữ lại quyền hưởng dụng. Vì vậy, ông bà vẫn có quyền chiếm hữu và sử dụng hợp pháp đối với bất động sản này. Trong trường hợp con cái bất hiếu sau khi được cho đất đai, cha mẹ vẫn có thể sống ở trên nhà và đất đó đến cuối đời.
Linh Phương (TH)
>> Bố mẹ hứa cho đất nhưng chậm sang tên sổ đỏ có bị phạt không?
>> Ai có quyền thừa kế khi đất ông bà để lại không di chúc?