(Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai)
Trả lời:
Khoản 1, Điều 159 của Luật Nhà ở 2014 quy định tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Theo quy định, các tổ chức nước ngoài nêu trên được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức như: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở (trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ); đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam.
Việc sở hữu, mua bán nhà ở... tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài đã được pháp luật về nhà ở quy định cơ bản đầy đủ |
Các giấy tờ chứng minh điều kiện, đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài được quy định tại khoản 2, Điều 74 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (Nghị định số 99/2015/NĐ-CP).
Điều 75 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, số lượng nhà ở mà tổ chức nước ngoài được mua được quy định tại khoản 2, Điều 161 của Luật Nhà ở 2014 và Điều 76 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định về khu vực tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Quyền bán lại nhà ở của tổ chức nước ngoài trong thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định tại khoản 4, Điều 7 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch về nhà ở (trong đó có giao dịch mua bán nhà ở của tổ chức nước ngoài) được quy định tại Điều 120 của Luật Nhà ở 2014. Như vậy, việc sở hữu, mua bán nhà ở... tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài đã được pháp luật về nhà ở quy định cơ bản đầy đủ.
Bộ Xây dựng