Xuất hiện làn sóng nhà đầu tư đi săn đất nền giá rẻ

Thị trường trầm lắng, những nhà đầu tư bị "gãy" đòn bẩy tài chính đành phải tìm cách bán cắt lỗ để bảo toàn vốn nhưng cũng không ít nhà đâu tư cho rằng đây là cơ hội kiếm có để gom được đất rẻ, vị trí đẹp.

Đất nền sau tăng nóng khắp nơi thì nay bước vào giai đoạn “lao dốc”. Theo Bộ Xây dựng thông tin, trong quý 3, giá giao dịch thứ cấp đất nền trong xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP.HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Hiện nhiều nhà đầu tư cũng phải cắt lỗ đất nền do "gãy" đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, ngược dòng với những nhà đầu tư đang mong muốn thoát hàng sớm ngày nào tốt ngày đó thì có những nhà đầu tư "tay to" âm thầm đi gom đất những khu vực tiềm năng.

"Với những nhà đầu tư sẵn tiền mặt trong tay, đây lại là thời điểm để săn được những lô đất giá rẻ, vị trí đẹp. Họ xác định đầu tư trong dài hạn, chấp nhận thị trường đi ngang để chờ đợi thị trường bước vào một chu kỳ mới", một nhà đầu tư chia sẻ.

Xuất hiện làn sóng nhà đầu tư đi săn đất nền giá rẻ - Ảnh 1.

Chị Đặng Yến cho biết: “Nhóm đầu tư của tôi đang đi gom đất những khu vực được đầu tư hạ tầng đồng bộ, có câu chuyện phát triển trong tương lai, giá cả hợp lý. Chúng tôi cũng xác định đầu tư trung và dài hạn, không sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Đây cũng sẽ là giai đoạn mở ra những cơ hội có 1-0-2 cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính bởi hiếm lắm bất động sản mới giảm giá như hiện nay”.

Theo nhận định của giới chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tín dụng kiểm soát, lãi suất tăng… đã ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của thị trường. Trong khi đó, người muốn mua thì không dám vào do lo ngại thị trường chưa tạo đáy còn người muốn bán buộc lòng phải hạ giá nhưng cũng khó thoát hàng.

Ở góc nhìn của nhà môi giới, anh Hồng Vũ - chủ văn phòng môi giới ở Bắc Giang cho biết, trong vòng 3-4 tháng qua, thị trường đất nền tỉnh gần như “đóng băng”, nhà đầu tư ký gửi hàng rất nhiều nhưng không có người hỏi mua.

“Đất nền tỉnh đã tăng giá gấp đôi, gấp ba theo các “cơn sốt” trong khi đó sản phẩm này lại không có giá trị thực, chủ yếu đầu cơ. Cho nên, khi “cơn sốt” đi qua, những lô đất vị trí xấu mà chỉ những lô đất có vị trí đẹp, giá hời thì mới được các nhà đầu tư quan tâm”, anh Vũ cho biết.

Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc khối kinh doanh của một công ty bất động sản đánh giá, đất nền là phân khúc từng "làm mưa làm gió" thời "sốt" đất, nhưng đồng thời cũng là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường giảm thanh khoản. Vị chuyên gia cho biết, đất nền vùng ven Hà Nội đã dịch chuyển về phía Tây như Hoài Đức, Quốc Oai với mức độ quan tâm giảm từ 17-39%.

Đối với phía Bắc như Đông Anh, Sóc Sơn mức độ quan tâm cũng giảm từ 8-30%. Phía Đông có Long Biên, Gia Lâm ghi nhận mức độ quan tâm giảm từ 21-28%. Còn tại phía Nam như Thanh Trì giảm 24%. Qua đó cho thấy, đất nền đang tiếp đà giảm mức độ quan tâm so với quý II vừa qua.

Trong 2 quý trước đó, thị trường đất nền trầm lắng đã tạo áp lực lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt với những người sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Áp lực về vốn vay buộc họ phải chấp nhận cắt lỗ, giảm giá để có thể bán được hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “giảm tốc”, chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn giữ mức cao.

Chủ tịch HoREA cho rằng, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm (trước Tết Qúy Mão), nhưng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (thường chiếm đến 50-70%) nên sức chịu đựng có hạn, đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể phải “xả hàng”, thậm chí chấp nhận bán cắt lỗ để bảo tồn phần vốn còn lại.