Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc TinNhaDatVN.Com, tại hội thảo “Bất động sản 2021 và sự trỗi dậy của những thị trường mới” vừa được tổ chức mới đây.
Cuộc trỗi dậy của những thị trường mới
Nhận định về làn sóng hình thành các thị trường mới, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, nghiên cứu của TinNhaDatVN.Com cho thấy, từ năm 2018, sau một giai đoạn phát triển nóng, các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM có dấu hiệu “chững” nguồn cung mới do các cơ quan chức năng chặt chẽ hơn trong việc cấp phép dự án và động thái siết chặt nguồn vốn vào bất động sản từ phía ngân hàng. Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian này, tại những thị trường mới có đặc điểm là giáp ranh đô thị trung tâm, thu hút mạnh FDI hoặc có lợi thế về đường bờ biển, cảnh quan thiên nhiên vẫn đón sự ra đời của nhiều dự án bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc TinNhaDatVN.Com |
Một điểm chung khác là những thị trường mới này chưa có nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng. Do đó, sự xuất hiện của 1 số tập đoàn lớn với những dự án quy mô dẫn đến mặt bằng giá cũng như giao dịch bất động sản tại các khu vực tăng lên. Số lượng lớn môi giới tại các đô thị lớn cũng theo các dự án đổ về những thị trường này, xác lập sân chơi mới cho thị trường bất động sản. Khi có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, việc di chuyển trở nên dễ dàng, thuận tiện khiến lượng người quan tâm bất động sản khu vực đó ngày càng nhiều hơn. Quy Nhơn (Bình Định) hay Quảng Ninh là một ví dụ điển hình.
Đây cũng là xu hướng mà báo cáo thị trường của TinNhaDatVN.Com đã chỉ ra trong 2 năm gần đây. “Chỉ số về lượng người quan tâm tìm kiếm bất động sản tại các thị trường được chúng tôi luôn theo dõi rất sát. Hơn 80% lượng tìm kiếm trong vài năm trở lại đây đến từ Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, xu hướng 2 năm gần đây lượng tìm kiếm tại các thị trường khác bắt đầu tăng lên rõ rệt. Đơn cử, tại Quy Nhơn, lượng tìm kiếm trong quý II/2020 so với quý I/2020 đã tăng 30%. Con số này thể hiện sự quan tâm đến các thị trường mới ngày càng nhiều hơn”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Covid-19 buộc các sàn phải thay đổi để thích ứng
Cũng tại hội thảo, nhận định về sự tác động của đại dịch Covid-19 với các sàn giao dịch bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay đã có hơn 800 sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì đại dịch. Covid-19 là một phép thử, đào thải những sàn tiềm lực yếu và chỉ những sàn thực sự có tiềm lực, có sự phát triển bền vững, có đầu tư về nguồn lực mới “trụ” lại được.
Đại dịch Covid-19 buộc các sàn phải thay đổi để thích ứng, mà sự thay đổi đầu tiên là ứng dụng công nghệ. Theo ông Quốc Anh, xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động môi giới đã được đẩy mạnh khi dịch bệnh hoành hành. Và xu hướng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc chuyển đổi, thích ứng công nghệ giúp môi giới vẫn tiếp cận được khách hàng dù dịch bệnh tạo nên những rào cản cách ly.
Ông Quốc Anh cũng cho biết, đại dịch cũng tạo nên những chuyển đổi trong quá trình tiếp cận các nguồn hàng. Bản thân TinNhaDatVN.Com có khách hàng là các đơn vị lớn chuyên về môi giới sản phẩm nhà phố nhưng dịch bệnh đến khiến việc cho thuê giảm, nguồn cầu giảm. Do đó, các sàn đã chuyển sang phân phối hàng dự án. Chính sự linh động này đã tạo ra lựa chọn mới cho nhà phân phối, mở ra nhiều khả năng phát triển mới.
Bên cạnh sự thích ứng công nghệ, tiếp cận nguồn hàng thì việc thích ứng thị trường cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, khi thị trường bất động sản ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM gặp khó khăn về nguồn hàng, các đơn vị đã mở rộng thị trường, hướng tới các thị trường lân cận, vùng ven, thị trường mới nổi. Cơ hội sẽ dành cho người thức thời nhất. Ngoài ra, môi giới có thể tìm nguồn hàng mới từ các quốc gia khác, ví dụ TinNhaDatVN.Com kết nối với đơn vị phân phối từ Úc, giúp mở rộng thêm tệp khách hàng mới. Rõ ràng, việc tiếp cận chủ đầu tư nước ngoài cũng là 1 yếu tố mà các sàn cần cân nhắc. “Theo tôi, đơn vị có khả năng thích ứng tốt nhất thì sẽ tồn tại”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Khánh Đặng
>> Khi môi giới kiêm nhà đầu tư rơi cảnh gãy sóng thị trường
>>Môi giới thời Covid-19: Kẻ lao đao, người túc tắc với nghề