Xóa sổ nhà siêu mỏng, chéo, méo

Căn nhà mỏng như bức tường trên con đường nghìn tỷ Hồ Sen – Cầu Rào 2 (Hải Phòng) nghe có vẻ hài hước nhưng lại làm nóng vấn đề giải phóng mặt bằng khi mở đường ở các địa phương hiện nay.

Dự án tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 (giai đoạn 2) đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh tới ngã 3 Hồ Sen sau nhiều năm bế tắc đã được TP Hải Phòng khởi động lại từ năm 2019 với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 1.400 tỉ đồng. Theo đó, tuyến đường dài hơn 1,6 km với chiều rộng nền đường từ 32,5 m - 42 m đã được triển khai khá nhanh.

Xóa sổ nhà siêu mỏng, chéo, méo - Ảnh 1.

Căn nhà “siêu mỏng” tại số 111 đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) nhiều ngày qua đã gây ra sự chú ý của những người đi qua.

Siêu hài nhưng có thật

Tiếp đó, ngày 22/9, UBND TP Hải Phòng lại có quyết định điều chỉnh dự án nâng tổng mức đầu tư lên hơn 2.053 tỉ đồng. TP Hải Phòng điều chỉnh bổ sung quy mô đầu tư xây dựng, mở rộng mặt đường, hè đoạn từ đường Chợ Con đến đường Tô Hiệu thành đường 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp.

Do tuyến đường mở qua khu dân cư hiện trạng nên sau khi hoàn thành đã xuất hiện nhiều căn nhà, thửa đất chéo méo. Và thực tế, căn nhà số 111 đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) nhiều ngày qua đã gây ra sự chú ý của nhiều người đi qua. Bởi nhìn lướt, căn nhà không khác gì bức tường rào phân chia vỉa hè và con ngõ bên trong.

Theo thống kê của UBND quận Lê Chân trên tuyến đường này có khoảng 36 căn nhà đang sửa chữa, 40 mảnh đất méo. Để ngăn chặn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, UBND quận Lê Chân yêu cầu các hộ dân hợp thửa với phía sau mới cho được xây dựng.

Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải bức tường nào cũng có thể hợp thửa, hợp khối. Việc hợp thửa, hợp khối còn phụ thuộc vào nhu cầu, tiếng nói chung của 2 bên.


Giải pháp khắc phục

Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn luật sư Hải Phòng cho rằng, theo quy định các gia đình trên không được phép xây dựng trên diện tích còn sót lại sau thu hồi vì diện tích quá nhỏ không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Nhưng do đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên diện tích đất còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình họ, nên chính quyền địa phương không can thiệp được.

“Để giải quyết vấn đề trên, giải pháp của chính quyền là thu hồi nốt phần diện tích còn lại để phục vụ cho mục đích công cộng” – Luật sư Thuận nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, mới đây UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2022. Quy định, đối với các trường hợp diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định, sẽ được thu hồi giao UBND cấp xã quản lý, đề xuất UBND cấp huyện đưa vào sử dụng theo quy hoạch.

Trong đó, đối với khu vực đô thị, khi phần diện tích còn lại sau thu hồi không phù hợp với chỉ giới xây dựng theo quy hoạch, không có kết nối giao thông, cạnh nhỏ nhất của thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn 3,5m và diện tích thửa đất còn lại nhỏ hơn 40m2.

Như vậy, các diện tích đất còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở được gia cho chính quyền địa phương quản lý, sẽ trở thành nguồn lực đất đai quan trọng để xây dựng các thiết chế sinh hoạt cộng đồng, phục vụ người dân. Quan trọng hơn cả là sẽ triệt để khắc phục, không xảy ra việc xây dựng các căn nhà chéo, méo sau khi thu đất của các hộ dân phục vụ dự án như hiện tại.