Đó là dự án KĐT mới cao cấp Tu Bông, có tổng diện tích hơn 2.581 ha thuộc 6 xã của huyện Vạn Ninh và dự án KĐT mới cao cấp Đầm Môn có tổng diện tích gần 1.442 ha thuộc xã Vạn Thành, huyện Vạn Ninh.
Dự án KĐT mới cao cấp Tu Bông có tổng vốn đầu tư hơn 42.257 tỉ đồng, trong đó vốn góp từ liên danh Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long và Công ty CP Mặt trời Vân Đồn 6.338 tỉ đồng và vốn huy động hơn 35.919 tỉ đồng. Dự án có thời hạn hoạt động 70 năm, tiến độ thực hiện từ quý II/2024 đến quý IV/2034. Còn dự án KĐT mới cao cấp Đầm Môn có tổng vốn đầu tư là 25.543 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là liên danh Công ty CP Tập đoàn Mặt trời và Công ty TNHH Xây dựng Dân dụng Phú Quốc hơn 3.831 tỉ đồng và vốn huy động hơn 21.712 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm, tiến độ thực hiện từ quý I/2024 đến quý IV/2034.
Theo kết luận của Tỉnh ủy Khánh Hòa, việc triển khai 2 dự án nói trên là cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát triển Khu Kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương.
Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã thảo luận, thống nhất về chủ trương đầu tư 2 dự án nói trên.
Đối với KĐT mới cao cấp Tu Bông, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho biết phần diện tích lấn biển hơn 1.000 ha, chồng lấn vào vùng nước cảng biển khu vực vịnh Vân Phong công bố ở Thông tư 27/2020/TT-BGTVT. Do đó, cần có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về diện tích lấn biển này có chồng lấn vào vùng nước cảng biển theo điểm đ khoản 3 điều 190 Luật Đất đai năm 2024 hay không. Trong trường hợp có chồng lấn thì hoạt động lấn biển này chỉ được thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Tương tự, dự án KĐT mới cao cấp Đầm Môn có khoảng 113 ha lấn biển thuộc khu vực cảng biển và vùng nước trước cảng của khu bến Bắc Vân Phong. Ngoài ra, dự án có diện tích rừng trồng khoảng 74 ha. Trong đó, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất là hơn 21 ha, còn lại rừng trồng ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Về 2 dự án nói trên, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng có kết luận, trong đó lưu ý về nhiều nội dung, như việc lấn biển (giải trình cụ thể, rõ hơn về căn cứ pháp lý, quy hoạch và thực trạng khu vực lấn biển), hình thức lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả đầu tư, tác động dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (về giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách)....
Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện tốt việc triển khai dự án với quyết tâm cao nhất, các thủ tục liên quan được xử lý nhanh nhất, tuyệt đối tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, phải chú trọng việc an dân, an sinh xã hội; phương án và công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học, đúng quy định.