VỤ CHÁY CHUNG CƯ MINI Ở HÀ NỘI: Bài học chưa bao giờ cũ

Chủ nhà, chính quyền địa phương, công an khu vực, cơ quan quản lý PCCC... đều phải chịu trách nhiệm trong vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong ở Hà Nội

Công an TP Hà Nội ngày 14-9 cho biết đang điều tra vụ cháy chung cư mini ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) làm 56 người tử vong, 37 người bị thương. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục xử lý nghiêm, tận gốc sai phạm của những chung cư khác trên địa bàn.

Buông lỏng quản lý

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, chung cư mini bị cháy chỉ có sổ đỏ cả tòa nhà, còn 45 căn hộ trong đó không có sổ hồng riêng. "Chung cư này đã được kiểm tra công tác PCCC nhưng khi xảy ra sự cố thì không có hiệu quả" - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm.

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội sẽ kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội về PCCC trên địa bàn quận Thanh Xuân. Đồng thời, tổng kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở nhà ở có nhiều căn hộ, nhà cho thuê, đặc biệt là chung cư mini.

Trước khi xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành công văn về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương... chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn, phạm vi quản lý.

Về phía cơ quan quản lý ngành, Bộ Xây dựng cho biết ở một số địa phương có tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý để tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ không phép, sai phép hoặc sai quy hoạch. Ngoài ra còn có tình trạng lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng và tự do mua bán, chuyển nhượng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là nguy cơ cao gây cháy nổ.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng, cho hay chung cư mini là loại hình nhà ở có từ 2 tầng trở lên, gồm nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung. Việc cấp phép xây dựng chung cư mini do các địa phương thực hiện. Từ tình hình thực tế, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các đơn vị kiểm tra hiện trường, rà soát bất cập trong thiết kế của chung cư mini bị cháy; đồng thời nghiên cứu xây dựng quy định siết chặt việc cấp phép loại hình này.

Ai chịu trách nhiệm

Liên quan vụ cháy chung cư mini ở TP Hà Nội, luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng ngoài trách nhiệm của chủ nhà, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương, công an khu vực, cơ quan quản lý về PCCC... "Phải chăng có sự buông lỏng quản lý của địa phương trong thời gian dài? Cần truy trách nhiệm cụ thể thuộc về ai? Nếu không có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và không có việc bất chấp lợi nhuận của chủ nhà thì hậu quả đau lòng có thể không xảy ra" - ông Tuấn Anh thẳng thắn.

Theo TS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ngôi nhà này được cấp phép xây dựng 6 tầng nhưng trên thực tế đã xây 9 tầng và một tầng tum. Do đó, cần làm rõ việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng tại thời điểm công trình thi công có đúng quy định hay không. "Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý trật tự xây dựng thời điểm đó có biết hành vi xây dựng sai phép này hay không? Đã xử lý hay chưa, hình thức xử lý như thế nào? Vì sao không buộc tháo dỡ công trình vi phạm?" - ông Cường nêu hàng loạt câu hỏi và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi tiếp tay, dung túng cho sai phạm.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chỉ rõ có khoảng trống pháp lý trong quản lý chung cư mini. Ông Hòa góp ý cần rà soát tổng thể việc cấp phép xây dựng các chung cư mini và hậu kiểm sau cấp phép, nhất là ở các đô thị lớn, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Bên cạnh đó, cần xem lại quy định về PCCC với loại hình chung cư mini đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay chưa.

VỤ CHÁY CHUNG CƯ MINI Ở HÀ NỘI: Bài học chưa bao giờ cũ - Ảnh 1.

Ở TP Hà Nội hiện có hàng trăm chung cư mini không bảo đảm an toàn về PCCCẢnh: HỮU HƯNG

Rủi ro khắp nơi

Với nhu cầu nhà ở của người nhập cư, người trẻ tăng cao, loại hình chung cư mini cũng nở rộ ở TP HCM trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Global Home, phản ánh việc quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn PCCC cho nhà chung cư, nhất là chung cư cũ và chung cư mini, hiện rất khó khăn. Không ít chung cư đã đưa vào sử dụng 10-15 năm có hệ thống báo cháy, chữa cháy xuống cấp mà không được bảo trì. Trong khi đó, khi chưa có sự cố xảy ra thì người dân vẫn còn chủ quan. "Đơn vị quản lý, vận hành chỉ phát hiện, cảnh báo nguy cơ, còn việc đầu tư nâng cấp thuộc về trách nhiệm của ban quản trị, chủ đầu tư. Có trường hợp chủ đầu tư phủi trách nhiệm hoặc đẩy trách nhiệm cho đơn vị quản lý, vận hành" - ông Thành cho hay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết từ năm 2014-2021, hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị liên quan quy định quản lý chung cư mini. Theo ông Châu, quy định tại điều 46 Luật Nhà ở năm 2014 đã làm phát sinh nhiều chung cư mini "biến tướng" tại các đô thị, dẫn đến quá tải kết cấu hạ tầng, phá vỡ quy hoạch đô thị, dễ tạo ra những khu "ổ chuột" và không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, tình trạng chung cư mini phát triển tự phát, vượt ngoài tầm kiểm soát còn có nguyên nhân từ những hạn chế trong thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở. Không loại trừ trường hợp một số doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, cá nhân và móc nối với cán bộ cấp cơ sở để thực hiện công trình chung cư mini trái phép.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM chiều 14-9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết thành phố có 42.256 cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và cứu hộ, cứu nạn.

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, căn hộ cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy và cháy lan. Nguyên nhân là do người dân sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách, không an toàn; căn hộ không được trang bị đầy đủ phương tiện, hệ thống chữa cháy ban đầu hoặc có trang bị nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Ngoài ra, không có lực lượng được tập huấn nghiệp vụ PCCC túc trực thường xuyên nên không kịp thời xử lý tình huống ban đầu trong khi người dân ít được trang bị kiến thức về PCCC. Đáng ngại nhất hiện nay còn là tình trạng các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe nhưng không được thiết kế, lắp đặt hệ thống PCCC và giải pháp an toàn khi có cháy...

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Trong thư thăm hỏi gửi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm thông sâu sắc với những mất mát, đau thương của người dân và gửi lời chia buồn đến gia đình người bị nạn.

Tổng Bí thư đề nghị TP Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về sự cố này; yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. Tổng Bí thư đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác PCCC trên cả nước; hướng dẫn, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời với sự cố cháy nổ.

Kiểm tra một chung cư mini khác của bị can Nghiêm Quang Minh

Ngày 14-9, đoàn liên ngành của quận Đống Đa, TP Hà Nội đã kiểm tra khẩn cấp việc thực hiện quy định PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà số 58B-C ngõ 117 Thái Hà. Đây là một chung cư mini khác của bị can Nghiêm Quang Minh (chủ chung cư mini cháy làm 56 người tử vong).

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện nhiều hạn chế, tồn tại, như: hệ thống chữa cháy không hoạt động; một số khu vực chưa được trang bị đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn; tòa nhà chưa được trang bị các dụng cụ phá dỡ, bảo hộ chống khói; cầu thang, lối thoát nạn tại một số tầng có bố trí đồ dùng, vật dụng gây cản trở thoát nạn...

Cùng ngày, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC tại một số chung cư cũ, chung cư mini, căn hộ dịch vụ, Công an quận 10, TP HCM đã phát hiện nhiều vi phạm. Chẳng hạn, cư xá Lý Thường Kiệt (phường 7) đến thời điểm này vẫn chưa được nghiệm thu về PCCC; còn nhiều chuồng cọp; người dân để xe máy, vật dụng kinh doanh tại hành lang làm cản trở lối thoát nạn; không có hệ thống báo cháy tự động; một số phương tiện PCCC cũ kỹ, thô sơ...