Vốn FDI vẫn chảy mạnh vào bất động sản

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến tháng 9/2020, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3 sau lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, quy mô về nguồn vốn tín dụng BĐS đạt 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế, không kể cho vay xây dựng. Trong số này, cho vay nhà ở chiếm 63%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS.

Về vốn tư nhân, tính đến hết tháng 8/2020, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp BĐS niêm yết đạt 397.000 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ dần quay trở lại với dòng vốn đầu tư mới kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường bất động sản dự kiến phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Về nguồn vốn FDI đến tháng 9/2020, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3 sau lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, hiện nay những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 3000 tỷ đồng tại các quỹ phát triển nhà ở xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có những tác động tích cực tới đà phục hồi của thị trường BĐS.

Nguồn vốn này được kỳ vọng có thể tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng vào năm 2021do Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn này từ ngân sách nhằm tiếp tục hỗ trợ cho vay nhà ở.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng được coi là yếu tố sẽ góp phần tác động tích cực đến thị trường BĐS, nhất là chủ trương giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy mạnh ở giai đoạn năm 2020-2021. Dòng vốn đầu tư này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực xây dựng và BĐS; trong đó có tính đến cả lợi ích lan tỏa từ việc cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.