Trao đổi với Tiền Phong ngày 12/9, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng GTVT cho biết, Bộ GTVT tiếp tục có công điện gửi các cơ quan, đơn vị ngành GTVT và Sở GTVT các địa phương về việc khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa, lũ sau bão.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt phối hợp với Tổng Cty Đường sắt chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm, đặc biệt là tại các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa lũ, đoạn đường có nguy cơ xảy ra ngập nước, đá rơi, đất sụt... Các đơn vị phải khẩn trương tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ để đảm bảo thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa có trách nhiệm chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực tăng cường kiểm tra việc neo buộc, đậu đỗ của tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ tàu, thuyền phải neo đậu, chằng buộc chắc chắn, ổn định, đậu đỗ tại các khu vực an toàn, không để phương tiện trôi dạt, va đập vào kết cấu hạ tầng giao thông, công trình khác.
Cục Hàng hải chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng chức năng khác tại địa phương trong công tác tìm kiếm, cứu nạn người còn đang mất tích do bão số 3 gây ra.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, theo đánh giá hiện nay, nhiều công trình cầu đường xuống cấp tại các địa phương nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, khắc phục nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Trước cơn bão số 3, Cục đã chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra kết cấu hạ tầng đường bộ, nhất là các công trình xung yếu như bến phà, cầu phao, công trình neo đậu phà, ca nô, phao, ngầm, tràn, vị trí nguy cơ ngập, sạt lở đất, đá; các vị trí đã hư hỏng chưa khắc phục xong. Với tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, nguy cơ xảy ra mất an toàn rất cao.
Ngày 10/9, Cục Đường bộ Việt Nam đã có công điện yêu cầu các địa phương kiên quyết tạm dừng khai thác các công trình cầu không bảo đảm an toàn do thiên tai, cầu có mực nước dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, cầu yếu…
Bảo trì, sửa chữa còn chưa kịp thời
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, hiện có nhiều cầu mới được xây dựng , tuy nhiên công tác bảo trì và duy trì các công trình cũ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Theo ông Chủng, việc duy trì, bảo trì công trình sau khi xây dựng hoàn thành rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc xây dựng mới. Theo đó, cần phải có một chế độ bảo trì nghiêm ngặt, bao gồm các hoạt động như khảo sát, theo dõi, đánh giá tình trạng công trình và thực hiện các biện pháp sửa chữa kịp thời.
Làm cầu Phong Châu mới
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Phú Thọ, Cục vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, giao cho cục nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện năm 2024-2025.
Ông Chủng cũng cho rằng, công tác bảo trì cầu ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, trong đó thiếu kế hoạch, nguồn lực và chuyên môn để thực hiện một cách hiệu quả. Ông Chủng cho biết thêm, trước sức tàn phá khôn lường của thiên nhiên, con người không thể chống lại được. Do đó, giải pháp hiện tại là tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, ưu tiên bảo vệ tính mạng con người và hạn chế sử dụng một số công trình giao thông khi có tình huống khẩn cấp.
Ông Trần Danh Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội nhấn mạnh, với các cầu hiện nay ở các địa phương cần phải tiến hành duy tu, bảo trì thường xuyên và kiểm tra định kỳ để phát hiện và khắc phục kịp thời các vấn đề về an toàn.
Theo đó, các cơ quan quản lý cầu cần xử lý ngay tất cả những điểm không đảm bảo an toàn có thể nhìn thấy được; tiến hành khảo sát, đánh giá và khắc phục kịp thời các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Với những cầu xuống cấp, cần sử dụng các phương pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để đánh giá, dự báo các vấn đề liên quan đến an toàn cầu mà không thể quan sát trực tiếp.
“Cơ quan quản lý các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, bảo trì cầu, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, bộ ngành ở các cấp khác nhau để đảm bảo công tác bảo trì cầu được thực hiện hiệu quả. Các đơn vị phải tìm kiếm các giải pháp tối ưu hơn để đảm bảo an toàn giao thông, nhất là tại những cầu trọng điểm như cầu Chương Dương”, ông Lợi nói.
Cấm, hạn chế lưu thông trên 20 cầu
Tính đến nay, đã có hơn 20 cầu bị cấm, hạn chế lưu thông do nước lũ. Ngoài một số cầu tại Hà Nội và Phú Thọ bị cấm, một loạt cầu tại nhiều địa phương đã tạm thời không cho phép các phương tiện lưu thông hoặc hạn chế lưu thông. Tại Thái Nguyên cấm cầu Gia Bẩy, Bến Tượng, Mỏ Bạch. Tại Tuyên Quang, cấm các xe tải từ 3,5 tấn trở lên và xe khách các loại lưu thông qua cầu Nông Tiến, cầu Bợ, cầu Sơn Dương, cầu An Hòa, cầu Kim Xuyên. Tại Yên Bái, cấm cầu Yên Bái trên quốc lộ 37. Tại Bắc Giang khuyến cáo người dân không đi qua cầu sắt trên sông Thương (TP Bắc Giang). Tại Bắc Ninh, cầu Nét (đoạn Yên Phong - Từ Sơn) bị cấm ô tô lưu thông; Cầu Đáp Cầu (nối phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh với tỉnh Bắc Giang) cấm tất cả các phương tiện; Cầu Hồ (thị xã Thuận Thành) cấm xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe tải có tải trọng trên 15 tấn lưu thông. Tại Nam Định cấm phương tiện qua cầu phao Ninh Cường.