Nhiều phân khúc ảm đạm
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tiếp tục đẩy thị trường bất động sản vào thế khó khăn kéo dài. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sự bùng phát của dịch bệnh đầu năm 2020 đã khiến 1/3 trong số khoảng 1.000 sàn môi giới đóng cửa. Lo ngại dịch bệnh, các chủ đầu tư hạn chế tập trung đông người, không tung hàng, không tổ chức mở bán. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán.
Nhiều phân khúc bất động sản tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ở bất động sản bán lẻ, nhiều chủ nhà đều có động thái miễn giảm tiền thuê nhà cho khách. Trong khi đó, các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Hưng Thịnh… đều công bố hỗ trợ trên giá thuê cho các khách thuê hiện tại với tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng từ các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp.
Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm nặng nề. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới. Theo STR - đơn vị cung cấp dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh khách sạn trên toàn cầu, công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.
Ở bất động sản công nghiệp, Covid-19 đã gây ra những lo ngại về tình trạng thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất trong quý 1/2020. Tình trạng thiếu lao động ở Trung Quốc kéo dài từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ngoài ra các nhà máy còn bị đóng cửa tạm thời) do virus Covid 19 đã khiến cho việc sản xuất bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất Việt Nam có liên kết chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc.
Thị trường cho thuê căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội đối mặt với vô vàn khó khăn do sự bùng phát của dịch bệnh. Giá thuê dù sụt giảm 15-20% nhưng vẫn ế ẩm là thực trạng từ sau Tết đến nay. Đối tượng khách hàng chính của phân khúc hạng sang, cao cấp cho thuê là những chuyên gia, doanh nhân nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Thế nhưng kể từ khi dịch Covid bùng phát với tâm điểm ban đầu là Châu Á, nguồn khách nước ngoài sang Việt Nam làm việc đều sụt giảm mạnh. Thị trường căn hộ hạng sang, cao cấp cho thuê rơi vào tình cảnh cung nhiều, cầu ít.
Thị trường bất động sản (TTBĐS) tháng 3/2020 tiếp tục sụt giảm mạnh vì những
diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa
Những tín hiệu tích cực
Trong bối cảnh ảm đạm đó, thị trường vẫn có những điểm sáng nhất định. Dòng sản phẩm hướng tới nhu cầu thực vẫn hút dòng tiền. Theo khảo sát của TinNhaDatVN.Com, căn hộ vừa túi tiền, đất nền giá rẻ hướng tới người có nhu cầu ở thực vẫn túc tắc giao dịch trên thị trường dù không quá sôi động. Có thể nói, trong những cơn khủng hoảng, trầm lắng của thị trường thì dòng sản phẩm này luôn có chỗ đứng. Đây là phân khúc mà nhu cầu luôn luôn hiện hữu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tình thế khó khăn của thị trường cũng là cơ hội của những nhà đầu tư trường vốn, luôn sẵn sàng “bắt đáy” thị trường, đổ tiền gom đất. Giới đầu tư bất động sản chuyên nghiệp thường tuân thủ một nguyên tắc trong đầu tư là “nóng sốt bán ra, trầm lắng gom vào”. Dịch bệnh Covid là tác nhân khiến những nhà đầu tư vốn mỏng, dùng đòn bẩy tài chính với ý định lướt sóng rơi vào cảnh điêu đứng khi kịch bản “nhảy” sóng không thành. Họ đang phải gánh lãi vay ngân hàng - khoản lãi càng ngày càng đè nặng khi kinh tế, sản xuất nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị đình trệ vì dịch bệnh. Do đó, không ít nhà đầu tư trường vốn vẫn đang giữ đất chờ thời hoặc đổ tiền gom đất tiếp.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực vào nền kinh tế chung của Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ thị số 11/CT-TTg được xem như một cứu cánh cho các doanh nghiệp bất động sản.
Cũng trong bối cảnh dịch bệnh bùng nổ, Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho thị trường. Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết Bộ đang nghiên cứu đề xuất tăng cường bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội, giống như gói 30.000 tỷ đồng. Bộ sẽ đề xuất Ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất. Ông Ninh nhận định, các thị trường liên quan như vật liệu xây dựng, nhân công, nội thất và nhiều ngành nghề khác sẽ được thúc đẩy phát triển khi dòng vốn cho nhà ở xã hội được khơi thông.
Duy Bách