TS Nguyễn Văn Đính: Người dân yêu cầu giá đền bù tăng lên, còn doanh nghiệp thì ở đâu cũng thấy kêu giá đất cao gấp 2-3 lần so với trước

Chia sẻ của TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về nghịch lý giá cả bất động sản hiện nay tại Hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/12 .
TS Nguyễn Văn Đính: Người dân yêu cầu giá đền bù tăng lên, còn doanh nghiệp thì ở đâu cũng thấy kêu giá đất cao gấp 2-3 lần so với trước

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự trở lại bình thường như giai đoạn trước đại dịch Covid. Tuy nhiên, trong năm 2024, thị trường đã có nhiều sự thay đổi vượt bậc, phục hồi một cách mạnh mẽ, quý sau tốt hơn quý trước.

Nói đến hoạt động và triển vọng của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính đã chỉ ra 6 nhóm yếu tố cần lưu ý, bao gồm: Thể chế; Kinh tế vĩ mô; Hệ thống quy hoạch và hạ tầng cơ sở; Nguồn vốn - tài chính - tín dụng; Thị trường, cung cầu, biến động giá cả và Hệ thống thông tin.

Còn về vấn đề giá cả bùng phát, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng nguyên nhân có thể giải thích được bởi nhu cầu trên thị trường vẫn đang rất cao và bị nén trong một thời gian dài. Nhu cầu không chỉ dừng lại nhu cầu để ở mà nhu cầu đầu tư cũng rất mạnh.

“Bất động sản là một kênh đầu tư mà chúng tôi đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn và là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư. Khi nhu cầu này bị kìm nén trong một thời gian dài dịch bệnh và khủng hoảng, không có hàng hóa thì đây là thời điểm bùng phát khi các dự án được tung ra thị trường. Cung ít, cầu cao và dồn nén vào cùng một lúc đã đẩy mức giá tăng”, ông Đính lý giải.

Vị chuyên gia nhận định, thị trường vẫn còn tồn tại một số vấn đền nhưng nhìn chung là đang đi theo xu hướng tích cực. Xu hướng này chắc chắn sẽ thúc đẩy, tạo đà cho năm 2025, tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2024. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang quyết liệt đưa ra những thể chế điều tiết hiệu quả hơn, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn của thị trường trong giai đoạn trước, điều này giúp cởi trói nguồn cung tung ra thị trường trong giai đoạn tới.  Cung tăng lên, giá cả cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn.

Mặc dù có cái nhìn tích cực về triển vọng thị trường năm 2025, ông Đính vẫn có băn khoăn về nghịch lý giá cả bất động sản hiện tại. Ông cho rằng, giá bất động sản hiện đang tăng và áp lực tiếp tục tăng vẫn đang hiện diện do trong cấu trúc giá có liên quan đến thuế đất.

“Theo tinh thần mới áp dụng theo giá thị trường, các địa phương đang xây dựng bảng giá đất. Tuy nhiên tôi cho rằng, bảng giá này sát với thị trường sẽ tạo ra mặt bằng chi phí mới rất cao, có thể tác động ảnh hưởng không tích cực đến thị trường, khó làm giảm mặt bằng giá. Giờ người dân đều yêu cầu giá đền bù tăng lên, ở đâu cũng thấy doanh nghiệp kêu giá đất cao gấp 2-3 lần so với trước, các chi phí liên quan đến đất cũng điều chỉnh cao hơn”, ông Đính chia sẻ.

Nếu mặt bằng giá không có phương pháp điều chỉnh thì khi giải tỏa được các khó khăn trong phát triển, nguồn cung đã tăng lên, vốn dĩ áp lực cung cầu được giải tỏa sẽ giúp giá bất động sản giảm nhưng chi phí vẫn cao khiến mức giá không thể giảm được. Điều này dẫn đến cung cầu không gặp nhau. Các dự án bất động sản đặc biệt là dự án hạng sang, cao cấp sẽ bị chững lại trong việc hấp thụ, kéo cả thị trường chững lại.

“Đây chính là một nghịch lý, và tôi mong rằng Chính phủ cần nghiên cứu trong việc điều chỉnh để giá trị tính tiền sử dụng đất, tính tiền thuê đất có mức phù hợp, khi đó mới thực sự phù hợp để kích thích thị trường bất động sản tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Đính nêu đề xuất.