Đấu giá đất có tình trạng "xã hội đen", "quân xanh - quân đỏ", thổi giá, dìm giá, đầu cơ

Phát biểu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc đấu giá đất thời gian qua không chỉ thổi giá mà còn dìm giá, quân xanh quân đỏ rất bức xúc.

Chiều 16/3, Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất là đấu giá đất.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ rõ thực tiễn một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh- quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.

Có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc đẩy giá làm biến động thị trường, tạo giá ảo và rút ruột tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc. Giá đất bị đẩy lên cao, xa giá trị thật sẽ khiến dẫn tới nhiều hệ lụy.

"Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đấu giá đất có tình trạng xã hội đen, quân xanh - quân đỏ, thổi giá, dìm giá, đầu cơ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng nói: "Trong nền kinh tế, đất đai là đầu vào mọi dự án đầu tư, nếu bị đẩy giá lên cao thì sẽ không hiệu quả. Đây là điều không mong muốn. Chúng ta mong muốn giá tốt, mang lại hiệu quả xã hội trên đất đai, chứ không phải có đủ đất để bán".

Ông Hà nhấn mạnh, việc thổi giá là hiện tượng rõ ràng, có thực. Người dân "gửi" tài sản bằng đất, mà giá đất lên như "ngựa phi" thì họ nghĩ có hiệu quả. Song với nền kinh tế, nếu tiền, tài sản của toàn xã hội đổ vào đất thì không tốt, Vì thế, Nhà nước phải điều tiết giá, chính sách phải kiểm soát được tính khả thi của các dự án.

Đề cập đến nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai, các quy định của pháp luật về thuế. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập. Giá trị tài nguyên như đất đai không giống với các vật thể giá trị khác. Vì vậy, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với đất đai chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, hiện đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. "Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia đấu giá được nữa. Như vậy mới đủ sức răn đe", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đồng thời đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá.

#/dau-gia-dat-co-tinh-trang-xa-hoi-den-quan-xanh-quan-do-thoi-gia-dim-gia-dau-co-20220316171932367.chn