Một phân khúc được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh trong báo cáo quý 1/2024 là nhà ở xã hội (NOXH). Hiện phân khúc này rơi vào tình trạng vừa thiếu, vừa "ế" và vẫn chưa được khắc phục.
Thậm chí, dù vẫn thiếu nguồn cung trên tổng thể, song một số dự án NOXH vẫn chật vật trong khâu bán hàng. Dự kiến trong thời gian tới, khi một số quy định trong luật mới chính thức có hiệu lực, sẽ góp phần giải tỏa một số nút thắt, tạo đà cho phân khúc này phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo thống kê của VARS, NOXH giai đoạn 2021-2025 là 1,24 triệu căn. Còn theo Đề án 1 triệu căn NOXH thì mục tiêu hoàn thành giai đoạn này là 480.000 căn. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ hoàn thành 37.868 căn, đạt 8,9% kế hoạch, tăng 4,3% so với thống kê gần nhất vào cuối năm 2023.
Đáng chú ý, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 646 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 0,5%, cam kết tín dụng 15 dự án số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban nghiên cứu thị trường và tư vấn, xúc tiến đầu tư VARS nêu quan điểm của Hội: "Theo thông tin của chúng tôi, cả chủ đầu tư và người dân đều gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận gói tín dụng này. VARS nhìn nhận đã đến lúc cần có một gói tín dụng riêng, đặc thù, mang tính chất trợ cấp để đạt mục tiêu.
Chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải có gói tín dụng riêng, đặc thù, mang tính chất trợ cấp cho phân khúc nhà ở xã hội, khi đó mới có thể đạt được mục tiêu. Khó có thể trông chờ vào sự tự nguyện từ gói 120.000 tỷ của các ngân hàng thương mại”.
Tại tọa đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc Gia cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất thiết kế riêng một gói tín dụng khác cho phân khúc nhà ở xã hội.
“Về gói 120.000 tỷ tôi nghĩ chúng ta cũng nên quên đi. Đây là gói do các ngân hàng thương mại quốc doanh đề xuất để hỗ trợ cho thị trường bất động sản nói chung, trong đó có xây dựng nhà ở xã hội, chứ ngân hàng không có trách nhiệm trong việc cung cấp vốn cho khu vực này… Gói 120.000 tỷ mới thực hiện được có 646 tỷ - chả đáng vào đâu cả. Vì vậy tôi cũng đề xuất phải thiết kế một gói mới, làm cho bài bản”.
Chuyên gia nhấn mạnh cần có chiến lược tài chính nhà ở thực sự, tài chính cho nhà ở nói chung chứ không phải chỉ cho nhà ở xã hội.
"Chúng ta có thể tham khảo của các nước khác. Ví dụ tại Singapore, công dân được quyền mua nhà ở, vay tiền ngân hàng với kỳ hạn hấp dẫn, từ 30 – 36 năm, lãi suất cứng người dân phải chịu là 2,5%, phần chênh lệch lãi suất còn lại do Chính phủ tài trợ.
Chúng ta thì đang làm ngược lại, lấy lãi suất thị trường trừ 2%. Hết niên hạn lại thả nổi, thời hạn quá ngắn, người nghèo làm sao mua nổi. Vì thế nên thiết kế lại", ông Nghĩa cho hay.
Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: “Một số chuyên gia nói rằng, người nghèo không nhất thiết phải sở hữu nhà ở mà đi thuê cũng được. Tư tưởng đấy không được đâu. Người Việt Nam không bao giờ có tư tưởng cả đời đi thuê nhà ở mà có thể giáo dục con cái thành nhân tài. Tư tưởng của người Việt ít nhiều gì cũng phải có miếng đất cắm dùi”.
Ông Nghĩa nhấn mạnh về tư tưởng của Thủ tướng về vấn đề nhà ở. Thủ tướng có nói: "Chính sách của Chính phủ không phải để đi xây nhà trọ mà xây nhà ở cho dân".
“Thủ tướng dùng khái niệm rất hay nhà ở và nhà thuê mua. Thuê và về lâu về dài có thể mua. Phải là nhà ở, phải là sở hữu. Nếu không mua để cho bà con thuê mua”, ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Nghĩa khẳng định, nếu chúng ta có chính sách và quan điểm như vậy thì tôi nghĩ những khó khăn về nhà ở cho người nghèo có thể xử lý được.