TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, kinh tế thế giới 2023 tiếp tục giảm đà tăng trưởng (2,5-3% từ mức 3-3,5% năm 2022). Về vấn đề địa chính trị còn rất phức tạp, chiến tranh khiến cho giá năng lượng, giá lương thực, thực phẩm neo cao. Về thị trường tài chính, tiền tệ, xuất khẩu và tín dụng của cả thế giới tăng thấp. Lạm phát (CPI) giảm (từ 8,4% năm 2022 xuống còn 5,5% năm 2023 và 3,5% năm 2024, theo WB) và lãi suất có giảm nhưng còn ở mức cao.
Theo vị chuyên gia này, đây cũng là câu chuyện của Việt Nam 11 tháng trước, hiện tại kinh tế Việt Nam đang phải chịu sự tác động chung của tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, so với khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung, rõ ràng kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Lạm phát Việt Nam ở mức thấp, tỷ giá ở mức độ vừa phải, lãi suất giảm. Song song với đó là chính sách tài khóa liên quan đến nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách đều ở mức tương đối thấp so với những nước tương đồng như Việt Nam.
"Tình hình kinh tế đang được phục hồi cũng tác động rõ nét lên thị trường bất động sản. Nợ xấu bất động sản tăng từ mức 1,72 % cuối năm ngoái lên mức 2,89 % vào tháng 9 năm nay. Rõ ràng là tăng nhưng nó vẫn ở mức dưới 3%, trong tầm kiểm soát", ông Lực nhận định.
Theo chỉ số Vn-Index, lĩnh vực bất động sản được các nhà đầu tư đánh giá khá tích cực, giá cổ phiếu bất động sản tăng gần 10%. Trong khi năm ngoái cổ phiếu bất động sản giảm 38%. Những chính sách liên quan đến bất động sản đã được Quốc hội thông qua như luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực vào quý 1 năm 2025. Ông Lực kỳ vọng điều này sẽ mang lại nhiều năng lượng tích cực cho ngành bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, đầu năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường địa ốc, bởi lãi suất giảm và giá bất động sản được điều hòa hợp lý. Ông Lực cũng nhấn mạnh dự đoán thị trường bất động sản sẽ khởi sắc ngay từ những quý đầu năm 2024.
Mặt khác, ông Lực chỉ ra các doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với ba khó khăn lớn: Một là về dòng tiền; hai là thị trường đầu ra, vẫn là sức cầu; ba là vấn đề về nguồn nhân lực.
Cùng với quan điểm này, vị chuyên gia cho rằng, để đón đầu xu hướng bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án.
Theo ông, các doanh nghiệp cần phải quyết liệt câu chuyện cơ cấu giá, giảm giá bán bất động sản. Theo số liệu giá bán bất động sản vẫn tăng 6% trong năm nay, điều này không hợp lý so với thu nhập của người dân.
Ngoài ra, trong bối cảnh mới với nhiều thay đổi hiện nay, ông Lực cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần phải định vị một hướng mới cho mình sau thời gian khó khăn, qua đó thích ứng tốt với thị trường và phát triển bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, cần tiên phong về câu chuyện xanh hoá, đặc biệt quan tâm hơn đến câu chuyện về quản lý rủi ro và chủ động chuẩn bị thực thi các luật có liên quan.
Ông Lực cũng khuyến nghị các chuyên viên, chuyên gia môi giới, nhà đầu tư cần chuẩn hóa theo quy định của pháp luật. "Ngay từ bây giờ các đơn vị phải chuẩn bị cho hoạt động chuẩn hoá trước khi các đạo luật liên quan đến kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào đầu năm 2025. Câu chuyện chuẩn hoá không phải là ngày 1, ngày 2 là xong, mà phải chuẩn bị cả năm", ông Lực gợi ý.