Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 385-TTr/BCSĐ gửi Ban chấp hành Đảng bộ TP về việc thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện rà soát, đánh giá, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011) và Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023), Ban cán sự Đảng UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quá trình triển khai đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ban ngành phối hợp, góp ý, hoàn thiện, đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư các quận, huyện, thị xã trên toàn TP. Đặc biệt có sự tham gia góp ý, hướng dẫn của Tổ công tác của Bộ Xây dựng (hỗ trợ lập Quy hoạch chung cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Theo Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, đến nay đồ án đã đủ điều kiện báo cáo, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy trình, quy định.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, góp ý của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND TP đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, trình Ban chấp hành Đảng bộ TP xem xét, thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Tờ trình đã nêu rõ về cơ sở pháp lý, thẩm quyền xem xét thông qua chủ trương và phê duyệt; trình tự thực hiện theo quy định và trình tự đã thực hiện.
Ban cán sự Đảng UBND TP đồng thời làm rõ về việc tiếp thu các ý kiến góp ý chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ về bổ sung các yếu tố quan hệ quốc tế, liên kết vùng; về quy hoạch phát triển các trục không gian chính đô thị; cụ thể hoá các nội dung về phát huy, bảo tồn, xây dựng văn hoá, gắn kết hài hoà giữa đô thị và nông thôn; bổ sung các chức năng trung tâm hội chợ, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, triển lãm; bổ sung chức năng giáo dục đại học tại thành phố phía Tây; nghiên cứu, xem xét các điều kiện để xây dựng, phát triển các huyện thành quận. Đồng thời, đề xuất giải pháp thực hiện và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm tính khả thi.