Cụ thể, theo Công an TP.HCM, Công ty Năm Tài được thành lập năm 2017 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, môi giới, đấu giá bất động sản. Người dại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Tài.
Doanh nghiệp này đã mua 2 khu đất với tổng diện tích 11.000 m2 phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM, sau đó tự lập bản vẽ, phân thành 119 nền đất để lừa bán cho khách hàng theo hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn.
Hiện ông Tài - đại diện doanh nghiệp và một người khác đã chuyển nhượng 17 nền đất với giá trị hơn 58 tỷ đồng. Cùng với đó cam kết sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ dự án, chuyển đổi quy hoạch thành khu dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng, xin phép tách thửa; hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, chiếu sáng công cộng, đường giao thông nội bộ... và thời hạn 3 tháng sẽ bàn giao nền đất thổ cư cho khách hàng. Tuy nhiên, quá thời hạn trên người mua không nhận được đất nên tố cáo ông Tài với cơ quan công an.
Cơ quan Công an TP.HCM cũng cho biết, đây chỉ là các lô đất thuộc quy hoạch cây xanh cách ly, đường dự phòng, đất cây xanh tập trung và thuộc ranh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội KDC Tân Tạo của Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc.
Do đó, hành vi của ông Nguyễn Thành Tài đã cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây tại các quận huyện thuộc TP.HCM đã nở rộ tình trạng dự án ma với chiêu thức tương tự mà ông Nguyễn Thành Tài và Công ty Năm Tài đã sử dụng. Theo đó, các cá nhân, tổ chức mua các lô đất nền nông nghiệp, đất cây xanh... sau đó tự vẽ ra dự án và bán với giá cao. Hàng loạt các quận ngoại thành như quận 12, Bình Tân, Nhà Bè, quận 9, Thủ Đức xuất hiện các đối tượng giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền dự án ma trên các trang mạng xã hội, tờ rơi...
Mới đây UBND quận 10 đã liên tiếp phát đi cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, tránh mua bán, đầu tư, sang nhượng để bị thiệt hại về tài sản. Quận 10 cũng dựng biển cảnh báo, tiến hành kiểm tra việc rao bán, quảng cáo đất nền theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, Luật Nhà ở, Luật Đất đai quy định việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền; sau đó, đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện.
Do đó, các trường hợp mua bán này thường được các chủ đầu tư ảo bán theo hợp đồng thỏa thuận góp vốn, không cần thông qua Văn phòng công chứng cũng như VPĐK đất đai.
Theo luật sư Hà, để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này, cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông báo chí. Dựng pano, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa. Đây là cách mà UBND Q.12, Q.Bình Tân (TP.HCM) hay thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa làm.
Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tiến hành cưỡng chế các dự án sai phạm, trả lại hiện trạng khu đất, nhắc nhở chủ khu đất không nên nghe theo lời của các công ty bất động sản bất chính.
"Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình phân lô bán nền trái phép. Khi có hình thức xử phạt, chế tài nặng, doanh nghiệp làm trái quy định mới thật sự sợ" – ông Hà đề xuất.