Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường tài chính thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam, rất nhiều người không biết nên sử dụng số tiền nhàn rỗi của mình đầu tư vào đâu để vừa giữ được giá trị tài sản, vừa có thể tìm thêm lợi nhuận. Chọn chứng khoán, mua vàng, gửi ngân hàng hay đầu tư vào bất động sản(BĐS) có lẽ đang là băn khoăn của rất nhiều nhà đầu tư hiện nay.
Xét từng kênh đầu tư trên thị trường có thể thấy rõ, sau khi tăng nóng trong thời gian ngắn, giá vàng nhanh chóng lao dốc và khó có xu hướng lập đỉnh mới. Cùng với đó, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng dao động 5,5-6,8%/năm. Do đó, trong ba tháng cuối năm, vàng và tiết kiệm được dự báo sẽ mất dần ưu thế.
Theo các chuyên gia, dòng vốn cuối năm sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Với nhà đầu tư ngắn hạn, ưu tiên nguồn vốn thời điểm này sẽ là kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất.
"Tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng", ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn chi nhánh Hồ Chí Minh, nhận định.
Cũng theo ông Tuấn: "Với áp lực phải có doanh thu và kết thúc 2020 trọn vẹn, các chủ đầu tư sẽ tất tay trong quý 3 và quý 4/2020. Đây cũng là lý do mà cuối năm sẽ là khoảng thời gian các nhà đầu tư tăng tốc đổ vốn vào thị trường BĐS".
Nhận định về dòng vốn nhà đầu tư đổ vào thị trường BĐS, báo cáo thị trường quý 3 của batdongsan.com cho biết, trong số các phân khúc trên thị trường thì căn hộ chung cư vẫn là loại hình có mức độ quan tâm cao nhất. Trong các loại hình BĐS, chung cư đứng đầu về mức độ quan tâm với 29%, kế đến là đất thổ cư với 23% và nhà riêng là 21%.
Nắm bắt được "điểm trũng" thu hút nguồn vốn trên thị trường cùng với việc phải có doanh thu và kết thúc 2020 trọn vẹn, các chủ đầu tư BĐS cố gắng đẩy hàng, vợt khách cuối năm.
Tại Hà Nội, khảo sát sơ bộ, 3 tháng cuối năm thị trường bất động sản sẽ đón nhận hơn 9.800 căn hộ đến từ: Dự án S-Premium Sky Oasis - tòa tháp 5 sao trong khu đô thị xanh Ecopark (hơn 500 căn hộ); Tập đoàn Masteri cũng đánh dấu quá trình Bắc tiến với hàng nghìn căn hộ thuộc Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm), MIK với nguồn cùng bùng nổ tại dự án Imperia Smart City (Đại Mỗ)…
Tại TPHCM, hàng loạt doanh nghiệp cũng công bố sẽ tung nguồn hàng mới ra thị trường. Điển hình như LDG với 2 khu căn hộ với tổng số lượng gần 4.000 sản phẩm. Công ty CP Đầu tư Bất động sản Rio Land cho biết trong các tháng tới đây sẽ mở bán tiếp giai đoạn 2 dự án căn hộ cao cấp Precia (quận 2) sau thành công từ đợt bán đầu tiên.
Cùng với đó, dự án khu căn hộ resort Picity High Park tọa lạc tại quận 12 cũng được chủ đầu tư cho biết sẽ là nguồn cung chính cho bất động sản khu vực Tây Bắc TPHCM với gần 2.500 căn hộ từ 6 tòa tháp, cao từ 15 - 18 tầng. Các căn hộ đã có đầy đủ pháp lý có giá từ 2 tỷ đồng/căn, đây là phân khúc giá căn hộ đang thiếu hụt trên thị trường. Picity High Park chú trọng không gian công viên cây xanh và các tiện ích nội khu, hiện đang được thi công bởi 2 nhà thầu Unicons và Tập đoàn Hòa Bình, sắp hoàn thiện phần móng cọc và tầng hầm.
Đánh giá về triển vọng thị trường BĐS cuối năm, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills cho biết: "Xét trong ngắn hạn 3 tháng sắp tới,làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Nhiều chủ đầu tư đã rục rịch bung hàng kèm theo chính sách ưu đãi đặc biệt để kích cầu. Trong những tháng cuối năm, nguồn hàng tại các dự án do doanh nghiệp triển khai tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra".
Cũng theo bà Hằng, trong trung hạn BĐS vẫn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn bậc nhất trên thị trường bởi khả năng tăng giá. Từ nay đến 1-2 năm tới, giá BĐS sẽ còn tiếp tục tăng do bị thúc đẩy bởi các yếu tố nguồn cung khan hiếm, tốc độ đô thị hóa cao cùng nhu cầu đầu tư lớn.