Theo số liệu từ Báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam Quý III/2020 do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam công bố mới đây thì trong Quý III, tại TP.HCM đã ghi nhận lượng giao dịch tăng đột biến ở mức 171% so với quý II/2020. Con số này, nếu so với lượng giao dịch thành công trong Quý I tại TP.HCM thì tăng đến khoảng 600%.
Lượng cung mới, giao dịch và tỷ lệ hấp thụ tại TP.HCM trong 3 quý liên tiếp (Nguồn: Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)
Giao dịch tăng đột biến
Trong quý III/2020, tổng lượng sản phẩm được bán trên toàn thị trường TP.HCM đạt 12.530 sản phẩm (chủ yếu là căn hộ chung cư), giao dịch 9.408/12.530 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ tương đương 75,1%.
Nếu chỉ xét riêng đối với phân khúc căn hộ chung cư thì thị trường TP.HCM trong quý III cũng ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, tại TP.HCM có 14.286 sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào bán ra thị trường, riêng trong quý III/2020 có 7.197 sản phẩm chào mới, giao dịch 5.406 sản phẩm. Theo đó, lượng giao dịch trong quý III đã tăng 306% so với quý II/2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng thì sự tăng tốc đột biến của nguồn cung và lượng giao dịch được nhiều chuyên gia nhận định là khá bất ngờ.
Bên cạnh việc chứng tỏ sức cầu của thị trường BĐS, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở vẫn đang còn rất lớn thì sự gia tăng đột biến lượng giao dịch trong quý III cũng đặt ra câu hỏi về động lực thực sự cho tăng trưởng của thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có diễn biến phức tạp.
Sản phẩm thực tế thấp
Lý giải về sự "tăng tốc" đột biến số lượng giao dịch trong quý III/2020 tại thị trường TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, ngoài đại dự án đô thị tại Quận 9 của Tập đoàn Vingroup, một số dự án nhà ở khác đã cơ bản hoàn thành thủ tục thì rải rác các dự án được cấp giấy phép xây dựng và đủ điều kiện bán sản phẩm trong năm 2019 và 2020.
Mặc dù số lượng sản phẩm chào bán trong Quý cao nhưng phần lớn các sản phẩm này đã được hấp thụ từ trước, sản phẩm thực tế còn bán trên thị trường rất ít
Do đó, hầu hết chủ đầu tư các dự án này đều phải lách luật bán sản phẩm trước theo kiểu đặt cọc hoặc ký quỹ đảm bảo thực hiện mua bán sản phẩm… để đáp ứng nhu cầu rất cao của thị trường. Vì vậy, mặc dù số lượng sản phẩm chào bán trong kỳ cao nhưng phần lớn các sản phẩm này đã được hấp thụ từ trước, sản phẩm thực tế còn bán trên thị trường rất ít.
Ông Đính cũng nhấn mạnh, dù trong quý III/2020, lượng giao dịch ghi nhận tăng mạnh so với các quý trước đó, tuy nhiên nếu so với các năm trước thì lượng giao dịch thành công cũng như nguồn cung sản phẩm ra thị trường vẫn giảm rõ rệt.
Cụ thể, nếu so với cùng kỳ năm 2018: Cung mới chỉ đạt 79,2%, giao dịch chỉ đạt 81,1% và so với cùng kỳ năm 2019: Cung mới chỉ đạt 66,9%, giao dịch chỉ đạt 52,9%.
Lý giải về nguyên nhân suy giảm nguồn cung sản phẩm ra thị trường cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng, ông Đính cho rằng trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, cũng như Hà Nội, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt.
Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu (Quy hoạch, cấp phép xây dựng...).