TPHCM đã gỡ vướng bao nhiêu dự án bất động sản?

TPO - Từ khi thành lập, đến nay Tổ công tác của TPHCM đã gỡ vướng hoàn toàn cho 8 dự án, gồm Khu phức hợp Sóng Việt, khu nhà ở xã hội của Công ty Cổ phần VTHouse và Công ty CP Tân Giao, dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, các dự án Metro Star, Celadon City, khu đất hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn (TPHCM) của Công ty CP Western Sài Gòn; khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long (quận 7)...

Phục hồi nhưng chậm

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản và nhà ở quý III/2024. Theo đó, trong quý III, có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và có 37 dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản đang triển khai, 1 dự án được cấp phép, 4 dự án đã hoàn thành.

Số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội) là 4 dự án. Lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng là 1.611 căn nhà.

TPHCM đã gỡ vướng bao nhiêu dự án bất động sản?

Về 3 tháng cuối năm, UBND TPHCM đánh giá, thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng diễn biến chậm, chưa có đột phá.

UBND TPHCM đánh giá, thị trường bất động sản ở TPHCM đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương trở lại từ đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng đã có tín hiệu tích cực.

Một số dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và một số dự án cũ được tái khởi động nhờ được tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, trong 9 tháng qua, TPHCM đã có 12 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó có một dự án nhà ở xã hội), 2 dự án được cấp phép xây dựng, hơn 31.000 căn hộ thương mại đang xây dựng.

Về 3 tháng cuối năm, UBND TPHCM đánh giá, thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng diễn biến chậm, chưa có đột phá. Giá cả có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do có sự điều tiết của giá đất ở TPHCM sau khi bảng giá đất mới được ban hành nhưng sẽ không có biến động mạnh. Nguồn cung mới sẽ dần được bổ sung góp phần tăng lượng giao dịch trong ba tháng cuối năm.

Phân khúc căn hộ chung cư vẫn được đánh giá là tiềm năng nhất do nguồn cung tăng chậm và nhu cầu cao. Các chính sách mới về đất đai , nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 sẽ tác động tích cực đến thị trường trong thời gian tới.

Gỡ vướng loạt dự án

Trong báo cáo, UBND TPHCM cho biết, từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác của TPHCM đã triển khai 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết cho 30 dự án gặp vướng mắc.

Trong đó, 8/30 dự án đã được giải quyết hoàn toàn, 22/30 dự án có vướng mắc đang được các sở, ban ngành, TP Thủ Đức tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định.

8 dự án được giải quyết hoàn toàn, gồm Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty CP Quốc Lộc Phát, dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty Cổ phần VTHouse và Công ty CP Tân Giao, dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.

TPHCM đã gỡ vướng bao nhiêu dự án bất động sản?

Dự án Celadon City của Gamuda Land ở quận Tân Phú đã được gỡ vướng.

Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty CP Đầu tư Metro Star, Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City - điều chỉnh tiến độ) của Công ty CP Gumaland, khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty CP Western Sài Gòn; dự án khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long quận 7 của Công ty CP Hưng Thịnh Incons, khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.

Đối với các dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc, UBND TPHCM tiếp tục giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Tổ phó Tổ công tác, chủ trì giải quyết, tổng hợp đề xuất giải quyết định kỳ hàng quý đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TPHCM và nhóm dự án do Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến, các dự án đầu tư khác trên địa bàn do các sở, ngành báo cáo đề xuất.

UBND TPHCM tiếp tục chủ trì, giao các sở, ban ngành đẩy mạnh rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

Đồng thời, TPHCM rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng; xử lý các bất cập, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khơi thông các điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư trên địa bàn.