Khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) được xây dựng từ trước năm 1975 đến nay với hiện trạng và chất lượng công trình đều đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều hộ dân quá khó khăn, phải bám trụ ở loại hình nhà ở theo kiểu cư xá này, dù biết nguy cơ “bà hỏa” rình rập, thế nhưng cũng không còn cách nào khác để có nơi lưu trú ổn định.
Ông Ngô Xuân Sơn (42 tuổi, quê An Giang) dọn đến ở block A của chung cư được gần một năm, phản ánh nhiều căn hộ nhồi nhét đồ đạc dễ cháy, bít bùng cả khu vực di chuyển ra cầu thang thoát hiểm, thế nhưng cũng không mấy khi bị nhắc nhở. “Đành rằng cuộc sống mưu sinh khó khăn, mọi thứ đều tạm bợ, như gia đình tôi cũng phải xoay sở để tìm chỗ thuê mướn rẻ hơn, thế nhưng an toàn cháy nổ là việc chung, mọi người cần có ý thức chung”, ông Sơn bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Hiệu đã sống ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) hơn 20 năm thừa nhận, việc quản lý về các điều kiện PCCC vẫn chưa được quan tâm thường xuyên. Trong khi, nhiều gia đình thiết kế ổ sắt tại các cửa sổ căn hộ như chuồng cọp dù có tăng thêm một chút diện tích sử dụng nhưng khi xảy ra cháy nổ thì gần như cũng “rào” luôn cơ hội để có thể thoát hiểm. Đó là chưa kể, xung quanh chung cư Nguyễn Thiện Thuật hiện nay có hệ thống cột điện, dây cáp đan xen nhau chằng chịt như mạng nhện cũng khiến các cư dân ở đây rất lo lắng, nhất là nguy cơ chập điện dẫn đến cháy nổ.
Tương tự, tình trạng người dân tự cơi nới xây các “chuồng cọp” tại căn hộ chung cư cũ Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10, được xây từ năm 1968) cũng đã khiến cư dân luôn thấp thỏm với nguy cơ “bà hỏa” ghé thăm. Điều đáng nói, từ cuối tháng 8/2023, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo UBND quận 10 khẩn trương rà soát, phối hợp các đơn vị vận động người dân tại chung cư Ngô Gia Tự đồng thuận với chủ trương của TPHCM để xây dựng mới cụm chung cư Ngô Gia Tự trước nguy cơ cháy nổ hiện hữu. Thế nhưng, quá trình giải quyết di dời, hỗ trợ bồi thường, tái định cư để cải tạo mới chung cư này vẫn chậm trễ.
Không chỉ đối với chung cư Ngô Gia Tự, báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM xác định, toàn thành phố hiện có 1.635 chung cư. Trong đó, thành phố còn 474 chung cư cũ xây trước năm 1975, đã cải tạo khoảng gần 200 chung cư với tổng kinh phí 275,5 tỷ đồng. Đến nay, thành phố có 16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm), không đáp ứng yêu cầu về PCCC, về khoảng cách an toàn, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn cũng như an toàn giao thông khi xảy ra cháy.
Việc “cạn” quỹ đất để xây mới khiến nhiều quận trung tâm của TPHCM buộc phải tính toán giải pháp duy nhất có thể thực hiện là cải tạo, sửa chữa các chung cư cũ hiện hữu. Thế nhưng, ngay cả hướng giải pháp này cũng gặp rất nhiều khó khăn do khó thu hút được nhà đầu tư. Điển hình, trường hợp UBND quận 4 đã yêu cầu di dời nhiều hộ dân tại chung cư Tôn Thất Thuyết (phường 4, quận 4) do tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng tại đây. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay việc giải quyết di dời vẫn chậm. Vài tháng trước, tại block C của chung cư này từng bị sập đà, sàn hành lang, tường lan can lối đi căn hộ khiến UBND quận 4 phải chỉ đạo Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND phường 4 khẩn trương gia cố khẩn cấp các vị trí xảy ra sự cố, đồng thời tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân. Sau đó, nhiều hộ đang ở block C của chung cư này đã được bố trí quỹ căn hộ chưa sử dụng tại chung cư số 4 đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh) để tạm thời đảm bảo ổn định sinh hoạt, cuộc sống cho hộ dân.
Tại quận 5, UBND quận cũng rà soát, kết luận kiểm định đối với chung cư số 440 đường Trần Hưng Đạo (phường 11, quận 5) có mức độ nguy hiểm là nhà cấp D, khả năng chịu lực không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường. Từ đầu năm nay, UBND quận 5 đã tổ chức thực hiện di dời khẩn cấp đối với các hộ dân cư ngụ tại chung cư này đến tạm cư tại chung cư An Phú số 961 đường Hậu Giang (phường 11, quận 6) để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân. Mặc dù vậy, giải pháp của quận cũng chỉ dừng lại ở hỗ trợ tạm cư cho người dân không tốn chi phí thuê nhà, được đảm bảo quyền lợi, chính sách bồi thường đối với căn hộ chung cư cũ. Trong khi, việc bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống mưu sinh cho họ vẫn là câu chuyện nan giải phía trước.