Theo ông Khang, hiện tại người mua đã bắt nhịp lại với thị trường BĐS sau thời điểm dịch nhưng chỉ mới khoảng 50% sẵn sàng “xuống tiền” mua, còn 50% có nhu cầu nhưng còn dè chừng không biết dịch bệnh có tái lại và xấu hơn không.
Góc nhìn thị trường BĐS đến thời điểm cuối năm, Tổng giám đốc LDG Group cho rằng, tiền đầu tư vào các kênh khác đang bị vấn đề là rủi ro cao, kể cả chứng khoán. Trong khi tiền để trong ngân hàng cũng mất giá và lãi suất không cao. Cho nên, có xu hướng là NĐT dùng tiền đó để đầu tư vào tài sản thật như BĐS, vàng và một số kênh khác. Với BĐS, ưu tiên hàng đầu của NĐT cá nhân hiện nay vẫn là pháp lý ổn, dự án tiềm năng và chủ đầu tư uy tín là họ sẵn sàng “xuống tiền”.
“Nhìn tổng thể, từ giờ đến cuối năm thị trường BĐS vẫn chưa ổn định. Vẫn còn tâm lý dịch bệnh nên vừa là ưu thế cũng là yếu thế cho thị trường”, ông Khang nhấn mạnh.
Về góc nhìn đầu tư, vị CEO này có một số lưu ý cho NĐT là đầu tư BĐS là kênh đầu tư không mất tiền và tạo giá trị gia tăng dòng tiền. Nhưng, khi quyết định mua BĐS cần xem kỹ càng pháp lý dự án, dự án đó do ai làm và họ có khả năng làm không.
Ông Nguyễn Minh Khang cho rằng, nhu cầu mua để ở và đầu tư trên thị trường còn rất lớn, quan trọng là sản phẩm của doanh nghiệp như thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu này.
Điều quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay là biết cách nhận biết các CĐT sắp chết. Không loại trừ trường hợp sẽ cố lừa cú chốt để “được cả ngã về không”. Có thể như dự án chiết khấu cao, khuyến mãi nhiều bất thường. Điều kiện thanh toán ban đầu cao nhưng các đợt tiếp theo lại ít và cho kéo dài. Khách hàng nghĩ rằng, với việc thanh toán này sẽ tốt, dễ thở nhưng có thể đó là dấu hiệu của tổng lực gom tiền để chạy. Vì thế, NĐT cũng cần lưu ý khi tham gia thị trường.
Nói về lý do thị trường BĐS có thể còn chưa ổn định rõ nét vào thời điểm cuối năm, ông Khang phân tích: Vì kinh tế toàn cầu đang rất khó khăn, Việt Nam không nằm ngoài điều đó. Các tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn trong tình trạng khó khăn so với năm trước. Thế giới vẫn còn dịch bệnh, chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi kinh tế nước ta hiện xuất đi nước ngoài đang bị hạn chế rất lớn, mua nguyên liệu vào cũng rất khó. Di chuyển ra nước ngoài bị hạn chế mức cao nhất. Nhìn chung, kinh tế sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Cho nên, với BĐS người mua có 2 dòng tư tưởng. BĐS sẽ nóng sau đại dịch và BĐS sẽ giảm giá sau đại dịch. Tuy nhiên, theo ông Khang, 2 điều này đều không có cơ sơ.
Vì sao BĐS sẽ không giảm giá sâu sau đại dịch, ông Khang phân tích.
Thứ nhất, giai đoạn hiện nay không phải là khủng hoảng kinh tế, mà là rủi ro của nền kinh tế do dịch bệnh. Vì thế BĐS sẽ không giảm sâu giống như cuộc khủng hoảng năm 2008.
Thứ hai, có thực tế, chứng khoán hiện giảm sâu, tiền không đầu tư vào BĐS sẽ có khả năng cao chuyển vào đầu tư BĐS.
Thứ ba, chính sách tài chính tín dụng của ngân hàng đang khuyến khích cho vay cá nhân. Chừng nào ngân hàng không cho vay nữa thì BĐS mới chết.
Thứ tư, giá vàng vẫn bấp bênh không ổn định, không đoán trước được. Cho nên BĐS vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn.
Thứ năm, về các dự án BĐS được duyệt để đăng kí triển khai hiện rất ít. Để thuận lợi ít nhất nguồn cung thị trường quay trở lại vào tháng 6/2021. Vì thế, các sản phẩm BĐS đủ điều kiện pháp lý để đưa ra thị trường sẽ rất hạn chế trong thời gian tới. Vì thế, BĐS không thể giảm giá vì khan cung, trong khi nhu cầu mua bán còn rất cao.