Cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỷ, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh (Hà Nội). Dự kiến, cầu sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm nay.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng trên tuyến đường Vành đai 3,5 với tổng mức đầu tư gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Vị trí cầu Thượng Cát dự kiến cách cầu Thăng Long khoảng 5-6 km.
Cầu Thượng Cát sẽ có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 5,2 km, bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Trong đó, chiều dài của cầu chính là 820 m, bề rộng cầu khoảng 33 m, thiết kế 8 làn xe, đường hai đầu cầu rộng 50-60 m.
Vào cuối năm 2023, Hà Nội đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát, sau đó đến tháng 1/2024 Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức, trao giải. Trong đó, đoạt giải nhất là phương án TC-03 mang tên “Cánh chim hòa bình” như trong ảnh. Nguồn ảnh: Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Theo kế hoạch Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, dịp 10/10/2024.
Ở phía quận Bắc Từ Liêm, đường Vành đai 3,5 đi đến cầu Thượng Cát sẽ giao với đường Tây Thăng Long và chạy song song với đường 70.
Sau đó đến đường Liên Mạc (đường Thượng Cát). Vị trí xây dựng cầu Thượng Cát nằm gần Viện Nghiên Cứu Phát Triển Tiêu Chuẩn Chất Lượng (ISSQ).
Còn phía huyện Đông Anh, cầu Thượng Cát thuộc địa bàn xã Đại Mạch.
Theo quy hoạch, đường dẫn lên cầu Thượng Cát nằm gần Khu công nghiệp Thăng Long và trường tiểu học Đại Mạch.
Điểm cuối, tại KM 8 724, đường dẫn lên cầu Thượng Cát đấu nối vào đường Khu công nghiệp Thăng Long (Quốc lộ 5 kéo dài).
Để đảm bảo đồng bộ hệ thống giao thông, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5, đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 (phía quận Bắc Từ Liêm) với mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Trong ảnh là đường Vành đai 3,5 đoạn đi đến Quốc lộ 32 hướng về cầu Thượng Cát.
Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng. Đồng thời, cầu Thượng Cát sẽ giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh là vị trí cầu Thượng Cát nhìn từ cầu Thăng Long.
Theo quy hoạch, 6 cầu đường bộ qua sông Hồng sẽ xây mới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp); Thượng Cát và Ngọc Hồi trên vành đai 3,5 (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp).