Cầu Hồng Hà dự kiến được khởi công xây dựng tháng 10 năm nay giúp kết nối huyện Đan Phượng và huyện Mê Linh. Cây cầu có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nằm trong dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trị giá 86.000 tỷ.
Dự kiến sau 6 tháng nữa, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng cầu Hồng Hà. Đây là cây cầu nằm trong quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt. Cây cầu sẽ kết nối xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) với xã Văn Khê (huyện Mê Linh). Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn.
Cầu Hồng Hà có tổng mức đầu tư sở bộ gần 10.000 tỷ đồng. Chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 6 km. Mặt cắt ngang 24,5 m nhằm đảm bảo 4 làn xe cơ giới, mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ. Cầu dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Ảnh phối cảnh cầu Hồng Hà (Nguồn: Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội).
Ở phía huyện Đan Phượng, đường Vành đai 4 dẫn lên cầu Hồng Hà gần với Nhà máy nước mặt sông Hồng. Sau đó, nằm giữa trường Trung học cơ sở Liên Hồng và thôn Bồng Lai.
Hiện đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được xây dựng đến vị trí xây dựng cầu. Tuy nhiên, ghi nhận đến tháng 4/2024 khu vực nằm trong phạm vi xây dựng cầu Hồng Hà thuộc địa phận xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.
Theo Uỷ ban Nhân dân huyện Đan Phượng, một số hộ ở xã Hồng Hà có diện tích đất ở phải thu hồi lớn (từ trên 300 đến 800 m2). Theo quy định hiện hành của thành phố, các hộ chỉ được giao đất tái định cư không vượt quá hạn mức giao đất ở mới, trong khi các hộ đề nghị bồi thường bằng diện tích đất ở tương ứng.
Còn tại phía huyện Mê Linh , cầu Hồng Hà đi qua đường đê tả sông Hồng tại xã Văn Khê, đoạn gần trường tiểu học Văn Khê C.
Sau đó, từ địa bàn huyện Mê Linh, đường Vành đai 4 sẽ hướng về đường Mê Linh, quốc lộ 23, quốc lộ 2. Tại đoạn này, sẽ đi qua Khu đô thị Hud Mê Linh Central có quy mô 55 ha.
Phía huyện mê Linh cũng gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khi có gần 200 hộ dân thuộc thôn Khê Ngoại 2 cũng chưa đồng thuận phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hiện người dân địa phương 2 bên muốn qua sông phải đi vòng đến cầu Thăng Long cách đó hơn 12 km hoặc phải đi bằng phà. Trong khi đó, việc kết nối với các bến phà không thuận tiện. Phà lại chờ đủ xe mới chạy nên tốn khá nhiều thời gian.
Khi cầu Hồng Hà hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội. Đồng thời, cầu Hồng Hà sẽ góp phần hoàn chỉnh đường Vành đai 4, kết nối giữa các tỉnh thành và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km; trong đó 58 km đi qua địa bàn Hà Nội (Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức); đoạn qua Hưng Yên khoảng 19,3 km và đoạn qua Bắc Ninh khoảng 36,3 km. Dự án tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án đầu tư công khu vực phía Bắc.
Ngoài cầu Hồng Hà, trong dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn có 2 cầu lớn, bao gồm cầu Mễ Sở (vượt sông Hồng) và cầu Hoài Thượng (vượt sông Đuống).