Theo quy hoạch tỉnh, mục tiêu đề ra là nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đến năm 2050, đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9% -11% trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng khoảng 5%/năm; ngành công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 13,6%/năm; ngành dịch vụ tăng khoảng 7,9%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 116,6 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.266 USD theo giá hiện hành). Huy động vốn đầu tư cho phát triển giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 168 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD (theo giá hiện hành). Tăng năng suất lao động bình quân đạt 8,2%/năm, thu ngân sách trên địa bàn trên 4.500 tỷ đồng vào năm 2030. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đạt 13%. Khách du lịch năm 2030 đạt khoảng trên 2 triệu lượt người.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Lai Châu đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, xây dựng hạ tầng khu - cụm công nghiệp, và phát triển hạ tầng thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, tỉnh tập trung vào khuyến khích thương mại điện tử, phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, cũng như chú trọng vào ngành công nghiệp có tiềm năng, đặc biệt là thủy điện và sản xuất nông lâm thủy sản. Đồng thời, Lai Châu huy động nguồn lực, thu hút đầu tư để tối ưu hóa tiềm năng và lợi thế phát triển các vùng kinh tế trong tỉnh…
Cụ thể về phương án phát triển kinh tế, quy hoạch tỉnh Lai Châu định hướng phát triển theo trọng tâm "một trục - hai vùng - ba trụ cột". Cụ thể, một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo các QL.32 - QL.4D - QL.12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua QL.279, kết nối huyện Than Uyên - huyện Tân Uyên - huyện Tam Đường - thành phố Lai Châu - huyện Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.
Hai vùng kinh tế của tỉnh, gồm vùng kinh tế động lực và vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà. Trong đó, vùng kinh tế động lực gồm các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường để e, Phong Thổ và thành phố Lai Châu. Tập trung phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa cộng đồng; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến đất hiếm; phát triển đô thị, kinh tế biên mậu.
Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà gồm các huyện biên giới Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Vùng sẽ tập trung bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc ca, cao su, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng (ưu tiên phát triển sâm Lai Châu), dịch vụ môi trường rừng và các sản phẩm đặc hữu.
Ba trụ cột phát triển kinh tế, gồm dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Về dịch vụ, tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu. Về công nghiệp, tập trung vào công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thủy sản. Về nông nghiệp, tập trung vào phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, dựa vào các sản phẩm nông, lâm sản có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
Về phương hướng quy hoạch đô thị, đô thị tỉnh Lai Châu phát triển theo mô hình chuỗi đô thị dọc vùng động lực và đô thị vệ tinh. Cụ thể, hình thành chuỗi đô thị theo trục dọc vùng động lực gồm đô thị Than Uyên - Phúc Than (huyện Than Uyên) - Tân Uyên - Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ - Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), các đô thị Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè và Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) là các đô thị vệ tinh.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Lai Châu có 11 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại III (thành phố Lai Châu), 5 đô thị loại IV là các thị trấn: Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường; 5 đô thị loại V bao gồm: Thị trấn Mường Tè, thị trấn Nậm Nhùn, đô thị Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ), đô thị Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), đô thị Phúc Than (huyện Than Uyên).
Trong đó thành phố Lai Châu là đô thị trung tâm, có vai trò vừa là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh vừa là trung tâm dịch vụ, thương mại, logistics, du lịch, trung tâm khoa học - đào tạo của tỉnh, các đô thị còn lại là trung tâm văn hóa, kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy đô thị hóa của vùng huyện. Cụ thể, quy hoạch 02 khu đô thị - dịch vụ gắn với khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm tại huyện Tam Đường và thành phố Lai Châu. Quy hoạch các khu đô thị - nhà ở đô thị còn lại gắn với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch.
Hệ thống chuỗi đô thị Lai Châu được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục dọc, trục ngang có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng trung du miền núi phía Bắc. Lai Châu tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đạt cấp III; đầu tư cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (Cửa khẩu Ma Lù Thàng), các tuyến quốc lộ: 4D, 12, 32, 279, 279D, 4H, 4H3 và các tuyến giao thông cấp tỉnh.
Lai Châu tiếp tục duy trì và khai thác tuyến vùng hồ thủy điện Sơn La, hồ thủy điện Lai Châu với chiều dài khoảng 175 km, quy mô cấp III, bên cạnh đó đầu tư xây dựng tối thiểu 28 bến cảng trên các vùng lòng hồ Lai Châu - sông Đà (07 bến), Sơn La - sông Đà (08 bến), Bản Chát - sông Nậm Mu (06 bến), Huội Quảng - sông Nậm Mu (07 bến)
Ngoài ra, thu hút đầu tư cảng hàng không Lai Châu tại huyện Tân Uyên ở cấp tối thiểu 3C, xây dựng bến xe đạt tối thiểu cấp IV tại các huyện Phong Thổ, Tân Uyên và đầu tư xây dựng bến xe buýt tại thành phố Lai Châu, xây dựng bãi đỗ xe tải tại khu vực thị trấn Phong Thổ, khu vực Đông Nam thành phố Lai Châu, kiêm chức năng dự phòng cho bãi đỗ cửa khẩu Ma Lù Thàng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh là Quy hoạch có tính "mở", "chiến lược" và "dài hạn". Tỉnh cần khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh để mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ niềm tin rằng Lai Châu sẽ bước vào chặng đường phát triển mới, sớm đạt mục tiêu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.