Nhà đầu tư vào đón đầu cơ hội?
Tại Hội thảo "Cơ hội mới của thị trường BĐS nghỉ dưỡng" do báo Tiền Phong tổ chức, các chuyên gia trong ngành đã mổ xẻ những cơ hội, thách thức cũng như định hướng đầu tư của thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nguồn thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng vượt kế hoạch, trong khi chi chưa nhiều. Điều này tạo dư địa giúp Chỉnh phủ có thể thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó có chi cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Cùng với đó, bối cảnh 6 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi đáng kể, cùng với việc quản lý ngân sách ổn định... đã hỗ trợ tích cực cho nền BĐS nói chung và BĐS nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, một vấn đề lớn tác động mạnh đến BĐS nghỉ dưỡng là nguồn vốn – đóng vai trò quyết định – thì năm nay đang gặp khó khăn trong bối cảnh chịu tác động của các chính sách được triển khai kể từ tháng 7 này. Cùng với đó, hoạt động du lịch quốc tế chưa hoạt động trở lại bình thường cũng là một rào cản lớn cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Nhận định thị trường BĐS nghỉ dưỡng 2022 - 2023, ông Đinh Thế Hiển cho rằng đây là thị trường dịch vụ đáng được khuyến khích, dù thị trường này cũng còn gặp nhiều khó khăn chung của thị trường BĐS. Đặc biệt, năm 2023 sắp tới sẽ có một số xung lực tập trung vào BĐS nghỉ dưỡng biển khu vực phía Nam. Có thể kể đến việc hàng loạt hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng về phát triển du lịch. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu khách du lịch quốc tế và 80 triệu lượt khách du lịch trong nước. Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng đối với du lịch. Trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh nên có sự ngưng trệ nhưng từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa, chúng ta khống chế được dịch, góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế… Mặc dù hiện tại khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều nhưng dự báo sắp tới, đặc biệt là thời điểm cuối năm, lượng khách du lịch sẽ bùng nổ.
Đây là yếu tố tạo tiềm năng cho sự phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong thời gian tới.
Cái vướng lớn nhất vẫn làm ở pháp lý
Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, đến thời điểm này, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã hoàn thiện và đảm bảo cơ bản cho hoạt động của thị trường. Đồng thời, sắp tới Chính phủ cùng các bộ ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ các luật trong tổng thể hệ thống pháp luật để tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho thị trường bất động sản, bất động sản du lịch.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho BĐS nghỉ dưỡng. Chính phủ mới đây đã xây dựng hệ sinh thái BĐS đồng bộ với các thị trường khác. Theo đó, vấn đề bao trùm của Nghị quyết 18 là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 để đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, tạo tiền đề định hướng sự phát triển của thị trường BĐS. Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng sự đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.
Theo ông Lê Hoàng Châu, có ba luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị. Mặt khác, cũng cần sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu giá, đấu thầu, Bộ luật Dân sự… Tính chính danh của BĐS du lịch được quy định trong các văn bản là đã có nhưng cần phải hoàn thiện.
Ông Châu cho biết khoảng 80-90% thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo, do đó các tỉnh, thành ven biển nước ta (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có lợi thế lớn để phát triển loại hình này.
"BĐS du lịch có tiềm năng cực kỳ lớn. Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS du lịch", ông Châu nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, thị trường BĐS du lịch hiện nay đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư đã có tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Văn hóa kinh doanh này sẽ thống lĩnh trên thị trường BĐS du lịch bởi BĐS du lịch là "con gà đẻ trứng vàng" khi chúng ta thu hút đông đảo khách du lịch trở lại.
Với vai trò là luật sư tư vấn cho các nhà đầu tư sản phẩm về BĐS, luật sư Lê Trung Phát - Đoàn luật sư Tp.HCM cũng nhấn mạnh, với sự phát triển nhanh của sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, trong khi về mặt luật pháp chưa rõ ràng, đã để lại không ít các tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư dự án và những người mua lại dự án.
Theo vị Luật sư này, để có thể kinh doanh được BĐS nghỉ dưỡng, người mua được cấp sổ, thì bản thân sản phẩm đang phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Du lịch,… Và mấu chốt là các văn bản luật này "chưa đặt được tên cho nó", để từ đó có thể ghi "giấy khai sinh" cho chúng. Nó đang được các địa phương tạm gọi là: đất ở không hình thành đơn vị ở. "Vì vậy theo tôi, chúng ta cần phải luật hóa được vấn đề này"- luật sư Trung Phát nhấn mạnh.
Theo LS Phát, vấn đề ở đây chính là người mua thứ cấp vẫn muốn có thuộc tính sở hữu, mà chỉ có sửa luật thì mới đảm bảo được thuộc tính này. Để làm được việc này, cần phải kịp thời thay đổi và điều chỉnh quy định của pháp luật, cụ thể là: Cần bổ sung khái niệm "đất ở nông thôn không hình thành đơn vị ở" vào điểm A khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013; Cần đưa thêm khái niệm vào Điều 3 của Luật nhà ở 2014; Cần bổ sung khái niệm "nhà ở không hình thành đơn vị ở" vào Điều 5 của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 để thuộc diện là các bất động sản đưa vào kinh doanh.
#/tien-cua-nha-dau-tu-bds-nghi-duong-se-di-dau-ve-dau-tu-nay-den-cuoi-nam-2022-20220722143717688.chn