Kể cả một số khu đô thị chỉ còn một vài hạng mục là hoàn thành dự án nhưng đều bất động. Nguyên nhân lớn nhất là do số tiền sử dụng đất mà chủ các dự án phải nộp quá cao so với giá thực tế.
Đại diện chủ đầu tư một dự án cho biết cách đây 6 năm, khi doanh nghiệp triển khai dự án thì số tiền dự kiến để nộp quyền sử dụng đất cho nhà nước khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến nay khi dự án triển khai hoàn thành, giá đất nhà nước áp dụng từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/m2. Vì vậy, doanh nghiệp không thể triển khai trong bối cảnh thị trường bất động sản đang giảm sâu.
Tại một số dự án đã tiến hành huy động vốn, giá đất mà chủ đầu tư phải nộp cho nhà nước còn cao hơn nhiều so với giá họ huy động khách hàng. Vì thế, chưa tính các chi phí hạ tầng, riêng nghĩa vụ thuế đất với nhà nước thì tiền huy động cũng không đủ.
Một dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị tại thị xã Điện Bàn đang nằm im bất động .Ảnh: QUANG VINH
Vừa qua, các chủ đầu tư dự án khu đô thị đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Quảng Nam xin tạm dừng ban hành quyết định phê duyệt phương án giá đất và xin tạm dừng ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất ở một số dự án đã được hội đồng thẩm định giá đất của UBND tỉnh thông qua. Kiến nghị cũng cho rằng giá đất được tính quá cao so với dự toán đầu tư các dự án. Ngoài ra, cơ sở thẩm định giá dựa trên giá giao dịch cao nhất trên thị trường để áp dụng so sánh giá cho dự án là chưa phù hợp.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các dự án đô thị đã triển khai cách đây nhiều năm nhưng chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nên chưa tính giá đất. Đến nay, khi các dự án hoàn thành thủ tục theo quy định thì nhà nước mới thành lập hội đồng thẩm định giá đất tại thời điểm hiện tại dựa trên giá thị trường hiện nay nên giá đất cao hơn lúc triển khai dự án.
Tuy nhiên, để đồng hành với các chủ dầu tư, hiện nay UBND tỉnh Quảng Nam thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm tổ trưởng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo bất động sản Đà Nẵng, cho rằng: "Với giá đất nhà nước áp quá cao như hiện nay, điều dễ thấy nhất là các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn để hoàn thành dự án. Trong bối cảnh bất động sản đóng băng, giá giảm sâu và nhiều thủ tục pháp lý còn vướng mắc, cần có sự hài hòa lợi ích giữa chính quyền và nhà đầu tư trong công tác thẩm định giá đất. Làm sao bảo đảm nhà nước không thất thu nhưng doanh nghiệp không thiệt hại, để các dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ".